Khơi nguồn vốn từ hình thức đối tác công - tư

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân. Nếu Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được thông qua sẽ giúp khơi thông lượng vốn lớn vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, sau nhiều lần dự thảo đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Rõ trách nhiệm trong chia sẻ rủi ro
Hiện nay, có nhiều ý kiến xung quanh cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư (NĐT). Bởi dự án BT có thể vướng thu hồi quỹ đất vì người giải tỏa khiếu nại, chậm giao mặt bằng, chính sách thay đổi, hồi tố phải dừng dự án. Hay dự án BOT sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hoàn vốn trải qua nhiều thủ tục, chậm thu phí vì lúc đó cơ quan quản lý mới trình cấp thẩm quyền HĐND tỉnh, TP hoặc Bộ Tài chính xem xét.
“Nếu đặt vấn đề đầu tư theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu, không chia sẻ rủi ro thì khó đạt mục đích thu hút nhiều NĐT, nhất là khi thủ tục hành chính còn rườm rà và chính sách dễ thay đổi. PPP là hợp tác công tư, Nhà nước cũng phải có một phần trách nhiệm, chia sẻ rủi ro với NĐT là bình thường” - một NĐT chia sẻ.
 Dự án đường Vành đai 2 trên cao. Ảnh: Công Hùng
Hiện có hai vấn đề NĐT muốn được thỏa mãn. Thứ nhất là đối với các dự án hạ tầng như giao thông, thời gian dự án rất dài, phụ thuộc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, NĐT mong muốn được bảo lãnh về doanh thu. Mong muốn thứ hai là bảo lãnh rủi ro ngoại tệ, tỷ giá.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, hiện nay có trường hợp NĐT sử dụng phần lớn là vốn vay ngân hàng, mọi chi phí phát sinh và lãi suất cho cả vòng đời dự án là rất lớn đều được đưa vào dự án để thanh toán. Lúc này, chẳng khác nào “tay không bắt giặc”, Nhà nước đi vay tiền để nhà đầu tư làm dự án. Do đó, Luật cần quy định trường hợp nào sẽ được chia sẻ rủi ro.
Chia sẻ quan điểm, TS Cấn Văn Lực đồng tình, không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi NĐT dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu theo từng thời kỳ của dự án. Dự thảo Luật PPP cũng cần phải làm rõ trường hợp Chính phủ bảo lãnh doanh thu, khoản bảo lãnh đó có tính vào nợ công?
Kiểm toán để tránh xung đột
Những tiêu cực, phát sinh thời gian qua với dự án PPP như lợi ích nhóm, móc ngoặc chia chác, cán bộ lợi dụng chức vụ bảo trợ cho tham nhũng bằng cách gây thất thoát tài sản công dự án BT dấy lên lo ngại lãng phí trong hình thức “đổi đất lấy hạ tầng. Sẽ có sự mâu thuẫn vì Nhà nước bao giờ cũng muốn trả giá thấp nhất nhưng dịch vụ phải tốt nhất, còn NĐT muốn bỏ ra số vốn thấp nhất nhưng phải thu lợi cao nhất. Vì các xung đột trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có Kiểm toán Nhà nước để minh bạch hóa hoạt động đầu tư, chủ trương đầu tư, vận hành công trình, dự án… bảo đảm cả Nhà nước và NĐT cùng có lợi, không dẫn đến xung đột.
Dự thảo mới nhất bỏ quy định kiểm toán trước khi ký hợp đồng, còn 3 nội dung gồm: Kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có)… Tuy vậy, luồng quan điểm khác cho rằng, bản chất dự án PPP là dự án đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.

"Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, trong những năm tới riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD/năm. Vì vậy, PPP chính là chiếc “chìa khóa” hiệu quả nhất để có thể huy động đủ số vốn này. Điều quan trọng là phải loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Đặc biệt, tránh tác động bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm làm méo mó chủ trương đúng đắn. " - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc


"Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP vẫn chưa thực sự thông thoáng. Để tạo điều kiện cho DN phát hành trái phiếu ra công chúng, cần bổ sung các quy định đặc thù hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn đối với các trình tự, thủ tục thực hiện việc chào bán trái phiếu riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra công chúng." - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả Lưu Xuân Thủy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần