Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/1, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu cuốn sách “dòng tranh dân gian Kim Hoàng”.

Tranh dân gian Kim Hoàng là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của nước ta nhưng đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không kịp thời phục hôi và phát huy giá trị của di sản này.
 cuốn sách ''Dòng tranh dân gian Kim Hoàng''.
Từ năm 2016, dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” do Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa làm chủ dự án được triển khai. Trong quá trình nỗ lực từng bước lần tìm lại quê hương của dòng tranh này (thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), qua khảo sát thực tế, dự án đã tìm được một số vị cao niên là người trực tiếp làm tranh, bán tranh. “Nghe các cụ kể lại, nhờ các cụ giám định màu tranh cơ bản của Kim Hoàng, cách làm, cách phân phối tranh qua hệ thống chợ quê xứ Đoài… chúng tôi đã dựng lại được hình ảnh của làng nghề này và ở buổi hoàng kim của nó” – bà Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.
Theo Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa, hiện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu lại tranh đôi gà, thường được gọi là Thần kê và tranh lợn của Kim Hoàng. Tay làng Kim Hoàng chỉ còn lưu giữ lại tranh khổ lớn “Đức Lưu Quang” và “Phúc Mãn Đường”, một vài bức tranh dân gian khác nữa; chính tại Kim Hoàng không còn nhiều sản phẩm của người Kim Hoàng đã từng nổi tiếng một thời.
 Các sản phẩm tranh dân gian Kim Hoàng được chuyển thể, ứng dụng trọng đời sống hiện đại. Ảnh: Lại Tấn.
Tuy nhiên trong quá trình hồii phục, bà Hòa cùng các cộng sự của mình đã tiếp cận được một tài liệu quý là cuốn sách có tên “Tranh dân gian Việt Nam” xuất bản năm 1960 do học giả người Pháp Maurice Durand nghiên cứu và công bố. Khi công bố công trình của mình, ông không ngờ được trong các bức tranh mình sưu tầm lại có những dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và cả Kim Hoàng. Từ đây, con đường khôi phục lại dòng tranh xưa đã vắng bặt trên thị trường suốt 7 thập niên đã có những dấu hiệu tích cực.
Các thành viên trong dự án đã lọc được nhiều bức tranh Kim Hoàng trong sách của Maurice Durand để bước đầu phân định lại chất Kim Hoàng độc đáo trong từng bức tranh, có sự góp ý của các cụ trong làng, của nhiều họa sĩ. Qua quá trình nghiên cứu, dự án đã có những thành quả bước đầu và là cơ sở để tập hợp, hình thành nên cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”.
 
Đến nay, sau một thời gian nỗ lực, dự án đã khôi phục được 33 mẫu tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, 19 mẫu được vẽ tay. Ngoài ra, dự án tạo được một số mẫu như: Tranh Nghê (lấy mẫu từ đền vua Đinh – vua Lê, Ninh Bình), và 3 bức tạo mẫu mới theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng gồm: Em bé bắn cung, em bé cưới phượng, đấu vật.
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” của nhóm tác giả gồm nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, GS.TS Trịnh Sinh và nhiếp ảnh gia Lê Bích có 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn. Hình ảnh tranh dân gian Kim Hoàng trong sách được chụp từ nhiều góc độ khóc nhau, cho người đọc những góc nhìn toàn cảnh làng Kim Hoàng từ trên cao cho tới cận cảnh từng họa tiết chạm khắc trong đình làng. Đồng thời, sách còn có những hình ảnh sinh động mô tả quá trình khôi phục tranh, in tranh, và những giao lưu, triển lãm giới thiệu tranh Kim Hoàng ra với công chúng trong nước và cuốc tế.
Sách được chia làm 3 chương gồm: “Làng Kim Hoàng”, “Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” và “Tranh dân gian Kim Hoàng” do NXB Thế giới ấn hành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần