Khởi tạo tâm thế, khởi tạo đam mê, khởi tạo tư duy và tinh thần sáng tạo

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Chung kết hoạt động “Sáng tạo khởi nghiệp”- HNMU lần thứ 2 năm học 2020 – 2021.

Hoạt động nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng như các đối tượng quan tâm khác; tạo lập môi trường liên kết trao đổi kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp giữa sinh viên trong, ngoài trường và xa hơn nữa là cầu nối cho các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên đến được với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tại phiên thứ nhất của vòng chung kết, có 11/25 ý tưởng sáng tạo của các tác giả và nhóm tác giả đã được chọn lựa để thuyết trình về các nội dung ý tưởng trước Ban giám khảo.
Qua phiên chung kết thứ nhất, 6 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp đã được chọn vào phiên chung kết thứ 2 với yêu cầu thuyết trình cao hơn để trao giải.
 Nhóm tác giả khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn thuyết trình tại phiên chung kết thứ 2
6 ý tưởng tại phiên chung kết thứ 2 đã thể hiện tinh thần sáng tạo của sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội gồm: Dự án Green handmade - Tái chế rác thải nhựa thành đồ hand made (nhóm sinh viên khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn); Xây dựng mô hình trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ và tư vấn việc làm cho sinh viên khoa Ngoại ngữ trường Đại học Thủ đô Hà Nội (Giảng viên khoa Ngoại ngữ: Trịnh Phan Thị Phong Lan); Thành lập PMC Agency – công ty cung cấp dịch vụ truyền thông quảng cáo (nhóm sinh viên khoa Kinh tế & Đô thị); Ứng dụng quản lí các hoạt động hành chính dành cho sinh viên (nhóm sinh viên khoa Sư phạm); Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ lưu động cho máy tính tại địa bàn nông thôn (nhóm sinh viên Giáo dục nghề nghiệp); Trung tâm dịch vụ, đào tạo chuyên viên, huấn luyện viên và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Giảng viên khoa Khoa học thể thao & sức khỏe: Bùi Mạnh Dương).
 Các thành viên Ban giám khảo của Cuộc thi
Điều đặc biệt là các ý tưởng tại vòng chung kết hoạt động “Sáng tạo khởi nghiệp”- HNMU lần thứ đều bắt đầu từ sinh viên, hướng đến sinh viên và ngôi trường các em đang theo học. Ngoài ra, các ý tưởng đều có tầm nhìn và ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Phát biểu tại Lễ chung kết, GS.TS Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trưởng BTC khẳng định: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường Đại học Thủ đô Hà Nội không chỉ tạo động lực cho sinh viên mà còn là nơi kết nối, hướng đến trở thành một điểm sáng về sáng tạo khởi nghiệp của Thủ đô. Hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của trường sẽ giúp sinh viên có thêm những góc nhìn mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của các em; khơi dậy tư duy khởi nghiệp dựa trên nền tảng cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0”.
 Đại diện Ban giám khảo trao phần thưởng cho đại diện nhóm tác giả đạt giải Đặc biệt và giải Nhất
“Qua hoạt động này, nhà trường mong muốn đem đến cho sinh viên cái nhìn chân thực, sáng rõ nhất, gần gũi nhất về kiến thức thị trường, chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, khách hàng, xây dựng thương hiệu, thành lập doanh nghiệp…; thúc đẩy việc ứng dụng, hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo có tiềm năng ngay từ khi các em còn là sinh viên trên giảng đường đại học”- GS. TS Đặng Văn Soa nhấn mạnh.
 
Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã trao 5 giải khuyến khích, 2 giải Ba, 2 giải Nhì, 1giải Nhất và 1 giải Đặc biệt cho các ý tưởng xuất sắc nhất.
Ý tưởng đạt giải Nhất: Ứng dụng quản lí các hoạt động hành chính dành cho sinh viên phục vụ đầu tiên cho sinh viên trong trường (nhóm sinh viên khoa Sư phạm).
Ý tưởng đạt giải Đặc biệt: Thành lập PMC Agency – Công ty cung cấp dịch vụ truyền thông quảng cáo (nhóm sinh viên khoa Kinh tế & Đô thị).