Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi thông nguồn lực

TS.Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu hút vốn tư nhân là một trọng tâm ưu tiên và lâu dài của Hà Nội. Mục tiêu này được TP thể hiện rõ trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là tại các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để thực hiện mục tiêu tăng cường thu hút vốn tư nhân, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhất quán cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển DN năm 2017 (trong đó, TP thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới các hiệp hội DN và phấn đấu đến năm 2020 có thêm 200.000 DN được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả); thành lập các tổ công tác rà soát từng thủ tục, cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, phát triển các dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 để phục vụ người dân và DN (tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng và kê khai thuế điện tử đạt 100%). Cùng với đó, một số sở ngành (thuế, hải quan, tư pháp...), UBND quận, huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Không gian làm việc tại vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới, sáng tạo Hà Nội. Ảnh: Vũ My.
Hà Nội đang từng bước củng cố vị thế thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của Hà Nội ở vị trí thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3 cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2015. Công tác cải cách hành chính, phối hợp liên thông đã rút ngắn từ 30 - 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, đất đai, đầu tư… Từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký DN qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng; giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực GPMB, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch; thời gian tiếp cận điện năng còn 21 - 26 ngày, giảm 10 - 15 ngày so với quy định...
Nâng cao chất lượng sống
Trên cơ sở Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định, trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành là thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới, tập trung trong 5 lĩnh vực: Môi trường, nước sạch, y tế - giáo dục, giao thông, công viên - khu vui chơi giải trí. Sở KH&ĐT đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng khác tư vấn cho TP nhiều cơ chế, chính sách mới, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực, như nước sạch nông thôn, xử lý rác thải, cây xanh, cải tạo nhà chung cư cũ... vốn trước đây rất ít nhà đầu tư quan tâm vì khó triển khai, lợi nhuận không lớn.
 Đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, cho phép nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch. Năm 2017, Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn) đã được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá là một mô hình xã hội hóa thành công trong lĩnh vực y tế. Trung tâm đi vào hoạt động tự bảo đảm được thu chi, do vốn từ các DN chiếm tới 300/400 tỷ đồng đầu tư xây dựng trung tâm, cho phép Trung tâm được trang bị máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, có đội ngũ y, bác sĩ có trình độ cao với chi phí khám, chữa bệnh vừa phải và đủ sức thực hiện tốt những kỹ thuật cao trong y học...
Trong giai đoạn 5 năm, 2016 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5 - 9%/năm và cần khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015 (trong đó 20% là từ nguồn ngân sách). Với quyết tâm, nỗ lực, Hà Nội đã và đang từng bước khai thông mọi nguồn lực; góp phần đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.