Khơi thông nguồn lực cho kinh tế tư nhân

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để kinh tế tư nhân (KTTN) thành động lực quan trọng của nền kinh tế, tại hội thảo góp ý kiến hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong phát triển KTTN ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội, chiều 12/3, nhiều chuyên gia cho biết: Cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, hệ thống phân bổ nguồn lực của Nhà nước cần cải cách theo hướng tập trung dành nguồn lực cho những DN, dự án nào có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, khu công nghiệp Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải
Bộ trưởng “sốt ruột” vì chất lượng kinh tế tư nhân
Chủ trì Hội thảo góp ý cho Đề án Đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong phát triển KTTN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết ông "rất sốt ruột". Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực KTTN vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện ở chỗ: Năng suất và tốc độ tăng năng suất còn thấp; Năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; Trình độ quản trị DN còn thấp; Tính liên kết, hợp tác giữa các DN Việt Nam còn yếu.

Những điểm tồn tại, hạn chế trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý Nhà nước trong phát triển KTTN. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển KTTN còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…

Khi nói đến lực lượng DN, TS Trần Đình Thiên cho rằng, có nghĩa là sẽ có những thay đổi thể chế để phát triển các cấu trúc DN, trong đó nền tảng chính là các tập đoàn kinh tế mạnh. Những tập đoàn KTTN lớn mạnh dường như vẫn đang là chủ đề khá nhạy cảm, nhất là khi trong quá trình phát triển, môi trường kinh doanh, thể chế vẫn chưa thực sự hoàn thiện, khá nhiều DN lớn nhờ cơ chế xin - cho, nhờ các mối quan hệ... Song, ông Thiên cho rằng, không đất nước nào có thể trở thành cường quốc nếu thiếu các DN nội địa quy mô lớn. Bài học kinh nghiệm chính là sự lớn mạnh của các quốc gia Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là điều chúng ta phải xác định rõ và đang có cơ hội để thay đổi, nhất là trong bối cảnh... bình thường mới” - ông Thiên làm rõ.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, KTTN nước ta có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển nên cần sự hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh “phải thay đổi từ tư duy”, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Từ công tác xây dựng thể chế, chúng ta thay đổi theo hướng kiến tạo để họ phát triển. Đây là đề án lớn, Bộ đã xây dựng và báo cáo, được Chính phủ đánh giá cao.

Đề cao yếu tố công bằng, minh bạch

Để khắc phục được tình trạng trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, cần xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia DN trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ DN. Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.

Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển KTTN Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ: “Chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy rằng, nhiều bất cập ở cả khâu quy định cơ chế, chính sách và khung pháp luật, lẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực đã phản ánh trong các báo cáo tổng hợp trước đây vẫn tồn tại, đang gây nhiều cản trở cho cộng đồng DN trong tình cảnh vốn đã rất khó khăn vì dịch bệnh. Đây là các nội dung rất cần sự chỉ đạo liên tục và mạnh mẽ từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN” .

Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân, thực thi là vấn đề rất quan trọng, trong đó, đề cao yếu tố công bằng, minh bạch, thực hiện đúng tinh thần và quy định pháp luật. Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục tham vấn, theo dõi và tổng hợp tình hình nhằm đề xuất các nhóm giải pháp một cách thỏa đáng, phù hợp để thúc đẩy KTTN phát triển. Qua đó, Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc các giải pháp cũng như có thể có chương trình hành động cụ thể...
Muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển cao vào năm 2045 như văn kiện Đại hội XIII đề ra, phải trông vào phát triển KTTN, phát triển DN nhỏ và vừa. Chỉ còn 10 năm để làm tốt việc này vì đến năm 2030, Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Vấn đề càng quan trọng, cấp thiết, đặc biệt là xét trong bối cảnh hiện đang có một số cơ hội tốt để DN tận dụng như các hiệp định thương mại tự do (FTA), CMCN 4.0 và sự dịch chuyển chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho DN trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau.

TS Phan Đức Hiếu