Khơi thông tiềm năng du lịch nông nghiệp

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là mảnh đất trăm nghề và có nền sinh thái nông nghiệp lâu đời, tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực du lịch nông nghiệp tại Hà Nội hiện còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa tương xứng tiềm năng.

Các em nhỏ tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm ở một trang trại du lịch nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ.
Sản phẩm kém đa dạng
Nằm dưới chân núi Ba Vì, nông trại Dê Trắng với diện tích 12ha là một trong những mô hình du lịch sinh thái đầu tiên của Hà Nội đang phát huy hiệu quả tốt. Nông trại đang chăn thả các loại dê sữa, ngựa đua, ngựa bạch, ngựa Poly; lừa; lạc đà; đà điểu; lợn mán cùng nhiều loại động vật quý như: Hươu sao, chim trĩ bảy màu, chim công…
Hình thức du lịch trải nghiệm tại nông trại Dê Trắng đã thu hút được rất nhiều du khách, đặc biệt là học sinh đến từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội. Từ đầu năm 2019 đến nay, nông trại đã đón gần 10.000 khách, doanh thu ước đạt trên 2,5 tỷ đồng…
Việc đào tạo, tập huấn kiến thức du lịch và thương mại cho cộng đồng sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp cần thiết, tiến tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm du lịch nông nghiệp. Chất lượng dịch vụ được nâng cao sẽ giúp tăng thời gian lưu trú và tiêu dùng của du khách tại các điểm đến.
Chủ trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì) Ngô Kiều Oanh
Mặc dù vậy, số mô hình du lịch nông nghiệp thành công bước đầu như nông trại Dê Trắng chưa nhiều. Bên cạnh một số khu du lịch sinh thái tại huyện Ba Vì như: Khoang xanh - Suối Tiên, Ao Vua, hồ Tiên Sa, các mô hình du lịch nông nghiệp tập trung chủ yếu tại huyện Sóc Sơn, quận Long Biên, huyện Thạch Thất, huyện Thường Tín, huyện Phúc Thọ. Trong khi tại hầu hết các quận, huyện, thị xã khác, loại hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái này còn khá lạ lẫm.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP hiện nay đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp (vui chơi, ăn uống, giáo dục trải nghiệm…) còn giản đơn, chưa có thương hiệu và không thực sự hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã được khai thác nhiều năm nhưng chậm được đầu tư, đổi mới...
Chọn lọc phát triển và quảng bá 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, một trong những nguyên nhân khiến du lịch nông nghiệp chưa thực sự phát triển trên địa bàn TP là bởi thiếu bàn tay của các DN. Thực tế, sự hợp tác giữa các DN lữ hành và những điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn rất hạn chế. Không có nguồn lực tài chính và sự tham gia của DN, các điểm đến cũng gặp khó trong hoàn thiện các sản phẩm du lịch.
Để thu hút được nhiều hơn các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, theo ông Tạ Văn Tường, cần có quy hoạch du lịch nông nghiệp, làng nghề theo một quy chuẩn cụ thể; tăng cường nghiên cứu, chọn lọc, phát triển các sản phẩm nông nghiệp sinh thái đặc sắc; đồng thời, xây dựng chương trình quảng bá sâu rộng cho loại hình du lịch này.
Ở một khía cạnh khác, Phó Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch Hà Nội) Nguyễn Diệu Linh cho rằng, hiện nay tại nhiều điểm du lịch, khách thường chỉ đến tham quan, trải nghiệm trong ngày. Do đó, cần có cơ chế, chính sách, nhất là về vốn và quỹ đất để phát triển các loại hình lưu trú, nhất là homestay tại các điểm du lịch nông nghiệp.
Bà Linh cũng cho rằng, một bộ tiêu chuẩn chuẩn hóa các dịch vụ trong mô hình nông nghiệp là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng mức chi tiêu từ du khách. Cùng với đó là xây dựng các tour du lịch nông nghiệp làm mẫu để lan tỏa trong bối cảnh nhiều địa phương, DN còn mơ hồ về loại hình kinh tế này.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Du lịch tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn TP để có đánh giá toàn diện về thực trạng. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo đề xuất TP ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái.