Khơi thông tín dụng bằng cách nào?

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, số lượng DN tiếp cận được gói vay ưu đãi rất ít, do vậy một số DN rất mong mỏi được tiếp cận các gói vay hỗ trợ từ ngân hàng để tiếp tục cầm cự đến khi dịch bệnh thực sự chấm dứt. Chính phủ cần một kế hoạch cụ thể vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN vừa và nhỏ và có một quỹ bảo lãnh tín dụng ở quy mô quốc gia. TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ đề xuất khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

Trạng thái dư thừa vốn của hệ thống ngân hàng rõ ràng

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 27/11 tăng trưởng tín dụng đạt 8,46%. Ông đánh giá sao về mức tăng trưởng này?

- Tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước. Điều này cho thấy, tốc độ phục hồi của DN và nền kinh tế khá tốt. Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6,15% so với cuối năm 2019. Riêng tháng 10/2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã thêm hơn 1 điểm %. Và tính đến 27/11 đạt 8,46%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 11, tín dụng đã tăng 2,11%, gấp đôi tốc độ tăng của tháng 8/2020.
 TS Nguyễn Trí Hiếu
Bên cạnh đó, đến tháng 11 tăng trưởng tiền gửi vẫn tăng 10,65% (cao hơn khoảng 2,1% so với tăng trưởng cho vay) cho thấy gửi tiền ngân hàng cũng vẫn là kênh an toàn nhất trong tất cả các kênh, mặc dù lãi suất huy động thời gian qua giảm rất mạnh cũng vẫn là lãi suất dương, tức trên tỷ lệ lạm phát. Lạm phát ở Việt Nam hiện nằm đâu đó khoảng 4%. Với lạm phát như vậy, người dân gửi tiền vẫn kỳ vọng có một lãi suất dương. Chính vì vậy mà tăng trưởng huy động cao, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào bên cạnh việc cho vay của các ngân hàng vẫn còn dè dặt.

Lãi suất liên ngân hàng giảm về gần mốc 0% nói lên điều gì, thưa ông?

- Thị trường liên ngân hàng là thị trường 2, không gắn kết với thị trường 1 cho vay của người dân và các thành phần kinh tế khác. Mặc dù vậy, cũng thể hiện thanh khoản của hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng về gần 0% cho thấy các ngân hàng không vay nhau do thị trường 1 họ đã dư thừa thanh khoản. Đồng thời, NHNN không trả lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nữa, thành ra hiện tại ngân hàng thừa thanh khoản. Ngân hàng không sử dụng tối đa tiền mà họ huy động được.

Đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng cứu DN

Các ngân hàng đang có hàng loạt chương trình, gói vay tín dụng hỗ trợ DN với lãi suất thấp nhưng DN vẫn than không tiếp cận được. Làm cách nào để gỡ vấn đề này?

- Ngay từ đầu năm, NHNN cho biết có gói 300.000 tỷ hỗ trợ DN bởi tác động dịch bệnh, nhưng thực tế có bao nhiêu DN tác động bị dịch bệnh được hưởng đâu. Vay ngân hàng cũng không dễ vì thiếu tài sản thế chấp. Các gói hỗ trợ của ngân hàng trước đây chưa thực sự phát huy hiệu quả. Gói này phần lớn là những khách hàng thân thiết của ngân hàng và những khách hàng có khả năng trả nợ. Đặc biệt là những DN lớn chứ DN nhỏ hay những DN đang lao đao vì dịch bệnh rất khó tiếp cận. Do đó, tăng trưởng tín dụng tăng chủ yếu là nhắm vào những khách hàng tốt của ngân hàng.

Tôi đang đề xuất Chính phủ và NHNN tổ chức một tổ hợp tín dụng. Tổ hợp này là tất cả các ngân hàng cùng tham gia vào. Ở Mỹ họ cũng làm như vậy. Tùy theo ngân hàng lớn tham gia số lượng lớn, ngân hàng nhỏ tham gia số lượng nhỏ. Hạn mức cho tổ hợp tín dụng này lên đến 300.000 tỷ đồng (tức tương đương gói đầu của NHNN). Các ngân hàng tham gia vào trên cơ sở cho DN vay tín chấp, không phải thể chấp. Đặc biệt là cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và DN nhỏ, siêu nhỏ có cơ hội tiếp cận.

Tổ hợp tín dụng mà tôi đề xuất phải cho vay tín chấp, tức DN không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất 3 - 5%/ năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm. Phương pháp vay tuần hoàn, 2 năm đầu vay lại trả. Đến cuối năm thứ 2 dư nợ họ trả dần cho 3 năm sau hoặc cho đến khi nào hết.

Thanh khoản hệ thống hiện nay đang rất tốt, đặc biệt là nguồn tiền CASA (nguồn tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn) đang chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Các ngân hàng thương mại có thể lấy nguồn đó tham gia vào “tổ hợp tín dụng”, từ đó có cho thể cho vay với lãi suất thấp từ 3 - 5%/năm mà không cần sự hỗ trợ của NHNN.

Cho vay tín chấp đương nhiên rủi ro nên phải có cơ chế đi kèm. Đó là quỹ bảo lãnh tín dụng. Ở Việt Nam quỹ bảo lãnh tín dụng có từ lâu rồi nhưng hoạt động èo uột, nhỏ bé. Chính phủ nên có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Chính phủ bỏ tiền thực vào quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia thì Chính phủ cần phải lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô khoảng 30.000 tỷ đồng; để bảo lãnh cho tổ hợp tín dụng quy mô 300.000 tỷ đồng. Lý do vì các DN này đều là những khoản “nợ xấu” tiềm tàng mà trên thực tế các ngân hàng thương mại đã từ chối.

Như vậy có sợ tình trạng lạm dụng trục lợi không, thưa ông?

- Dĩ nhiên ai cũng sợ. Nhưng bây giờ cứ sợ thì làm sao làm được, thành ra phải có cơ chế.

Ngân hàng rõ ràng huy động được nhiều, cho vay không bao nhiêu, do đó tại sao không yêu cầu ngân hàng hãy đồng hành cùng nền kinh tế trong lúc khó khăn như hiện nay. Ngân hàng là ngành sáng nhất hiện tại, báo cáo tài chính lãi, thanh khoản tốt trong khi các DN ngoài kia ngay cả Vietnam Airline, DN dầu khí, DN sản xuất lớn đều lao đao. Thành ra, cái mà tôi đề nghị ngành ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội đồng hành cùng các thành phần kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ các DN đang bị tác động bởi dịch bệnh. Các ngân hàng cần thực sự đồng hành với DN. Và tổ hợp tín dụng mà các ngân hàng cùng tham gia vào cho vay ra với lãi suất thấp và có cơ chế giám sát. Tòa án phải vào cuộc, có các cơ quan an ninh, NHNN, cơ quan thuế phải vào cuộc kiểm soát.

Giải pháp đưa ra cho các DN có tài chính yếu là khuyến khích họ ứng dụng công nghệ để đánh giá và quản lý dòng tiền. Hiện những DN ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh sẽ có một điểm cộng khi ngân hàng đánh giá cho vay vốn.

Ở Mỹ, họ cũng làm tổ hợp, đưa ra quy chế, bầu ra điều hành, có cả bộ máy thẩm định, hành chính, kế toán… Là tổ hợp nhưng hoạt động như một ngân hàng.

Đến nay, số lượng DN tiếp cận được gói vay ưu đãi rất ít, do vậy một số DN rất mong mỏi được tiếp cận các gói vay hỗ trợ từ ngân hàng để tiếp tục cầm cự đến khi dịch bệnh thực sự chấm dứt. Theo tôi, thời điểm này, nên ưu tiên việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng cho người dân và DN. Đối với cơ quan quản lý, việc tính toán một gói hỗ trợ tín dụng mới, tập trung hơn và có sức mạnh hơn, là điều cần thiết phải làm trong giai đoạn này, để sớm chuẩn bị cho kinh tế hồi phục trong năm 2021.

Dư địa giảm lãi suất đang cạn dần

Trong khi NHNN đã 3 lần hạ các mức lãi suất điều hành nhưng các DN nói lãi vay vẫn còn cao. Ông đánh giá sao về lãi suất hiện nay? Còn dư địa giảm lãi suất hay không, thưa ông?

- Lãi suất của ta vẫn cao vì lạm phát vẫn ở khoảng 4%. Nên lãi suất không thể thấp hơn lạm phát được. Trong khi lãi suất của nhiều quốc gia chỉ khoảng 3 - 5% trong khi của ta lãi suất cho vay vẫn ở khoảng 8 - 9%.

Dư địa còn nhưng đang cạn dần vì phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát. Lãi suất huy động đâu đó khoảng 6%, thực dương 2%. Nếu lãi suất giảm đến mức nào đó, người gửi tiền sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác nên dư địa giảm lãi suất càng hạn hẹp. Theo quan điểm của tôi, có chăng từ nay đến cuối năm chỉ khoảng 1%. Vấn đề quan trọng hiện tại đó là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng.

Ngoài sự hỗ trợ của ngân hàng và nhà điều hành, DN cần chú ý gì, thưa ông?

- Ngoài nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng, cả ngân hàng và DN cũng cần có nỗ lực hơn nữa để tìm được điểm cân bằng cung - cầu tín dụng. Vì khi quá trình phục hồi vai trò của chính sách tiền tệ rất quan trọng. Đơn cử, ngân hàng rà soát quy trình thủ tục, tiết giảm chi phí hoạt động trong điều kiện cho phép có thể giảm thêm lãi suất được thì càng tốt, giảm giá các dịch vụ... Còn về phía DN, thông tin tài chính phải minh bạch hơn nữa, xây dựng phương án vay vốn khả thi hướng đến lĩnh vực được ưu tiên...

Xin cảm ơn ông!

"Nhờ nỗ lực của ngân hàng, cùng với đà phục hồi kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid - 19 tới nhiều ngành lĩnh vực, sức hấp thụ vốn của DN còn yếu nên tín dụng sẽ không thể tăng mạnh như những năm trước vào giai đoạn cuối năm. Từ nay tới cuối năm, nếu ngân hàng đẩy mạnh được tín dụng và Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ thêm cho cộng đồng DN thì kịch bản khả thi tăng trưởng tín dụng có thể quanh mức 10%." - TS Nguyễn Trí Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần