Khởi tố, bắt tạm giam Hưng "kính" trong vụ "bảo kê" ở chợ Long Biên

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công an TP Hà Nội vừa khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") để điều tra về hoạt động "bảo kê" ở chợ Long Biên.

Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo.
Chiều 4/1, tại buổi họp báo của Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, chiều cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP đã tiến hành khởi tố và đang thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", SN1963, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hưng "kính" bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến vụ "bảo kê" chợ Long Biên.
Ngoài Hưng "kính", Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Hữu Tiến (Tiến "hói", SN 1970, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội), là thành viên tổ bốc xếp.
Theo Đại tá Viện, qua điều tra, cơ quan công an xác định, Hưng "kính" là đối tượng cầm đầu trong nhóm đối tượng có dấu hiệu "bảo kê" thu tiền, chèn ép tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Biên. Hưng "kính" là Tổ trưởng tổ dịch vụ bốc xếp số 2 của chợ Long Biên và có 2 tiền án, 1 tiền sự.
Các đối tượng chính được cơ quan công an xác định gồm: Nguyễn Mạnh Long (SN 1962, tên gọi Long "Cao", trú tại Thanh Xuân, Hà Nội); Lê Thanh Hải (Hải "gió", SN 1963, trú tại Hoàng Mai); Nguyễn Hữu Tiến (Tiến "hói", SN 1970, trú tại Hai Bà Trưng); Dương Quốc Vương (tức Vương lợn, SN 1968, trú tại Hoàng Mai).
Trước đó, ngày 5/12/2018, VKS ND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam đối với 3 bị can gồm: Dương Quốc Vương (tức Vương ''lợn'', SN 1968, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (tức Long "cao", SN 1962, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Thanh Hải (tức Hải "gió", SN 1963, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
3 bị can này là nhân viên tổ bốc xếp tại chợ Long Biên, dưới quyền của Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính"), đã bị Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội khởi tố về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Hình ảnh thu tiền 'bảo kê' ở chợ Long Biên.
Vụ việc xảy ra vào tháng 9/2018, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh phản ánh về việc để có thể buôn bán, các tiểu thương tại chợ Long Biên phải đóng tiền bến bãi (tiền bảo kê) là 200.000 đồng/lượt, nếu là xe to thì mức tiền là 350.000 đồng/lượt. Thậm chí, có trường hợp phải đóng tiền bến bãi 100 triệu đồng/năm. Nếu không đóng tiền, các hộ kinh doanh ở chợ sẽ không có chỗ để đỗ xe, chuyển hàng… Sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Ban Quản lý chợ Long Biên kiểm tra, xử lý.
Đến ngày 1/10, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, để điều tra làm rõ vụ "bảo kê" xảy ra tại chợ Long Biên.
Tiếp đó, ngày 3/12/2018, trên các phương tiện thông tin đại chúng (trong đó có trang thông tin điện tử VTV, Báo Lao động điện tử...) đăng tải nhiều bài viết về việc tối ngày 2/12/2018, nhóm phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên nhận được tin nhắn qua điện thoại đe dọa giết cả gia đình.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa và có các biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ an toàn cho phóng viên, người tố giác tội phạm và những người liên quan.

Năm 2018, công an các đơn vị, địa phương đã kéo giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017; điều tra, khám phá án gần 45.000 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 82,32%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 12,32%, cao hơn 1,9% so với năm 2017) và triệt phá gần 3.000 băng, nhóm tội phạm...

Trong năm qua, tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước cũng đã giảm cả 3 tiêu chí. Tiến tới năm 2019, Bộ Công an đề ra chủ đề công tác là "Hoàn thiện thể chế, tăng cường cơ sở", cùng với phương châm hành động của toàn lực lượng là "Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả".

Liên quan đến hoạt động phức tạp của "tín dụng đen", Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Thống kê chưa đầy đủ 4 năm gần đây, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen", trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, gần 2.000 vụ lừa đảo...

Hiện lực lượng Cảnh sát hình sự đã rà soát làm rõ khoảng 210 băng nhóm với gần 2.000 đối tượng hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn toàn quốc. Đánh giá về "tín dụng đen", Chánh Văn phòng Bộ Công an nhận định loại tội phạm này có diễn biến phức tạp, len lỏi đến nông thôn, vùng cao... đặc biệt Bộ Công an đã phát hiện những hoạt động "tín dụng đen" có liên quan đến yếu tố nước ngoài.