Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng cùng người liên quan: Giải tỏa hoài nghi về vùng cấm

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam một số người nguyên là lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Đây là minh chứng cụ thể trong chủ trương quyết liệt chống tham nhũng đến tận gốc rễ của Đảng và Nhà nước ta.

Hàng loạt nguyên lãnh đạo PVN bị tạm giam

Ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), để điều tra về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên. Đơn vị chức năng, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật. Ông Đinh La Thăng liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra. Đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) và vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.

Ông Đinh La Thăng.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Khánh (SN 1960, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN với cùng tội danh nêu trên. Ông Nguyễn Quốc Khánh đã từng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN từ ngày 12/1/2016. Ngày 9/3/2017, Thủ tướng đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg về việc thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.

Cũng trong đêm 8/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng (SN 1962, em trai ông Đinh La Thăng), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD) về tội danh “Tham ô tài sản”. Việc bắt giữ ông Thắng nằm trong phạm vi mở rộng vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Minh Ngân theo quyết định khởi tố vụ án hình sự vào tháng 3/2017 và Quyết định nhập vụ án hình sự số 16/C46-P11 ngày 15/11/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an qua điều tra mở rộng (Giai đoạn 2) vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm đã xác định một số người khác nguyên là lãnh đạo PVN có liên quan. Theo đó, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Xuân Sơn; nguyên Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh; nguyên thành viên HĐTV PVN Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank. Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can với 5 người nêu trên về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan công an đã bắt tạm giam hai bị can Quỳnh, Thắng và khám xét nơi ở, nơi làm việc các bị can trên.

Không có vùng cấm

Bắt ông Đinh La Thăng thể hiện không có "vùng cấm" trong công tác phòng, chống tham nhũng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sau khi ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, thôi đại biểu Quốc hội và bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Lê Quang Thưởng cho rằng, những quyết định này thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng để làm trong sạch nội bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị phải vướng vào vòng lao lý. Trước đó, cũng có Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, nhưng chỉ bị cách chức, khai trừ Đảng mà thôi. “Đảng đã rất nghiêm túc, thể hiện không có bất cứ vùng cấm nào, dù người vi phạm có giữ trọng trách cao đến đâu”- ông Thưởng nói.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cũng đặt câu hỏi, qua việc xử lý ông Đinh La Thăng liệu có lợi ích nhóm ở đây không? Bởi lẽ, một mình ông Thăng không thể làm được và vấn đề này cần làm rõ. “Tôi nghĩ việc bắt ông Đinh La Thăng chưa phải là kết thúc, mà còn nhiều việc phải làm nữa”- ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh. Ngay sau thời điểm bắt giữ ông Đinh La Thăng cùng một số người nguyên là lãnh đạo đứng đầu PVN, rất nhiều người dân đã bày tỏ quan điểm rất đồng tình ủng hộ chủ trương quyết liệt chống tham nhũng đến tận gốc rễ của Đảng và Nhà nước ta. Ông Nguyễn Hợp Thụ - Bí thư Chi bộ cụm 1 (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) cho rằng, trong thời gian qua, Đảng ta rất kiên quyết với công tác chống tham nhũng, đặc biệt coi trọng đạo đức, phẩm chất chính trị của cán bộ. Đa số đảng viên, cán bộ, cử tri và người dân chúng tôi rất hoan nghênh và coi đó là quốc sách hàng đầu của Đảng ta trong việc đột phá chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng quan điểm và mong muốn Đảng và Nhà Nước tiếp tục thông tin rộng rãi việc xử lý sai phạm, tham nhũng, ông Trần Văn Bính - Tổ trưởng tổ dân phố khu đô thị Pháp Vân – Hoàng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết: “Việc bắt tạm giam ông Đinh La Thăng đã giải tỏa hoàn toàn hoài nghi về có vùng cấm trong xử lý sai phạm. Sự quyết liệt đã đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo T.Ư về công tác phòng, chống tham nhũng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Cá nhân tôi và Nhân dân đô thị Pháp Vân – Hoàng Liệt đều mong muốn sau thời điểm này, những cá nhân có biểu hiện nhóm lợi ích hay hành vi tham nhũng, cố ý làm sai quy định của Nhà nước hòng trục lợi đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.

Tại cuộc họp thứ 14 diễn ra trong 3 ngày (24 – 26/4), Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có báo cáo kết luận những dấu hiệu sai phạm của PVN trong nhiệm kỳ trước. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức Đảng, đảng viên; Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, trong đó góp vốn vào OceanBank mất 800 tỷ đồng… Ông Đinh La Thăng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV PVN trong giai đoạn 2009 – 2011…