Khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo VEAM: Chân dung nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Hà

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM
Hàng loạt lãnh đạo bị khởi tố, VEAM vẫn lãi "khủng"
Như tin đã đưa, ngày 3/8/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một số đơn vị thành viên.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với: Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang - nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Từ Công - Phó Tổng Giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung - Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung; Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.
Trước đó, ngày 16/5/2019, tại trụ sở VEAM, Bộ Công Thương đã công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp - CTCP.
Theo kết luận, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Hiện tại, VEAM nắm giữ 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Ngoài ra, quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Về tình hình kinh doanh của VEAM, quý II/2019 ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 31% so với cùng kỳ, đạt 1.116 tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất tiếp tục là phần lãi trong công ty liên doanh - liên kết với trên 2.100 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ đều giảm, trong khi doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh là các yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của VEAM tăng gần 10%, lên 2.183 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, VEAM ghi nhận tăng trưởng trái chiều khi doanh thu giảm 33% còn 2.240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13% lên 3.420 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Hà (ảnh ngoài cùng bên trái) cùng các cựu lãnh đạo VEAM vừa bị khởi tố
Chân dung nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Ngọc Hà
Ông Trần Ngọc Hà (55 tuổi) từng là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, cho đến tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản miễn nhiệm ông Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Trước đó, 3 tháng (3/2019) Hội đồng quản trị VEAM cũng đã ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà.
Báo cáo tình hình quản trị VEAM 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, ông Hà nắm giữ 102.400 cổ phiếu VEAM (VEA), tỷ lệ 0,0077%; vợ ông Hà sở hữu 100.000 cổ phiếu. Ngoài ra, những người thân trong gia đình ông Hà cũng sở hữu thêm khoảng 60.000 cổ phiếu VEA.
Tại VEAM, Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất với 88,47% vốn điều lệ, tương đương 1,1 tỷ cổ phiếu. Chủ yếu các khoản lãi đều đến từ hoạt động liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ôtô và từ tiền lãi gửi ngân hàng. Trong khi đó, một loạt các dự án đầu tư của VEAM được thực hiện đều thua lỗ và kém hiệu quả.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong quá trình điều hành VEAM, ông Hà có nhiều sai phạm như, mua quá nhiều linh kiện ngoài kế hoạch, bổ nhiệm cán bộ sai quy định...
Cụ thể, VEAM ký 4 hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện của Công ty cổ phần Thành Công với tổng số tiền gần 1.635 tỷ đồng để lắp 3.000 ôtô Hyundai vào năm 2017 song việc này không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, không được phê duyệt của Hội đồng quản trị. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới con số tồn kho cuối năm 2017 của VEAM cao gấp hơn 2 lần so với kế hoạch.
Cùng với đó, trong các năm 2016 và 2017, VEAM cũng nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe Hyundai HD72 về bán cho Nhà máy ôtô VEAM (VM) lắp ráp và tiêu thụ. Đến tháng 12/2018, Cục Hải quan TP Hà Nội kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện HD72 thì đến tháng 3 và 4/2019 đã liên tiếp ra các văn bản truy nộp và phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 262,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hà còn chịu trách nhiệm về việc rót vốn vào VM không thông qua hội đồng thành viên với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư lên tới 331,8 tỷ đồng. VM đã liên tục được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 462,46 tỷ đồng lên 698,67 tỷ đồng từ năm 2004 - 2013, trong khi công suất thiết kế không thay đổi.
Tháng 4/2019, hồ sơ sai phạm của ông Hà được Bộ Công Thương chuyển sang CO3. Đáng chú ý, trước khi bị bắt, ông Trần Ngọc Hà đã có đơn thư tố cáo các lãnh đạo đương nhiệm của VEAM đi nhiều cơ quan. Với việc Bộ Công an đã ra Quyết định vụ án, khởi tố bị can, dư luận mong sớm có kết luận về những "lùm xùm" xung quanh VEAM. Qua đó, để doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, vượt qua những khó khăn trước mắt.