Không bổ nhiệm lại những thẩm phán để sai sót trong nhiệm vụ

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong rất nhiều quy định được nêu ra tại Dự thảo “Quy định về xử lý vi phạm với công chức, viên chức và người lao động trong các tòa án Nhân dân” mà Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao vừa công bố để lấy ý kiến ban hành.

Theo đó, Dự thảo này đã quy định rõ việc thẩm phán, thẩm tra viên hay cán bộ khác trong tòa có thể bị kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể, thẩm phán không được đề nghị bổ nhiệm lại nếu vi phạm các lỗi: Tổng số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% so với tổng số vụ việc đã giải quyết. Bản án, quyết định bị hủy vì rõ ràng sai trong việc đánh giá chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, áp dụng sai pháp luật gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của tòa án. 
Thẩm phán phải mặc trang phục theo đúng quy định khi tham gia phiên tòa.
Bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương với các lỗi: Không có mặt tại phòng xử án theo thời gian ghi trong quyết định đưa vụ việc ra giải quyết. Mặc không đúng trang phục, không đeo thẻ chức danh tư pháp khi tham gia phiên tòa theo đúng quy định. Ngủ gật, sử dụng điện thoại di động, hút thuốc khi tham gia giải quyết vụ việc. Gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ việc mà mình được giao giải quyết xét xử, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Thẩm phán bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; tạm dừng thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng với các lỗi: Số bản án, quyết định bị hủy từ 1,16 - 1,5%, trên 1,5 - 2% và hơn 3% so với tổng số vụ việc giải quyết trong một năm công tác. Ra bản án tuyên bị cáo phạm tội nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, cơ quan có thẩm quyền kết luận bị cáo đó không phạm tội. Ra bản án, quyết định sai gây thiệt hại và làm cho tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước…

Ngoài ra, thẩm phán bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; tạm dừng xét xử trong 18 tháng đối với các lỗi: Để một vụ việc quá hạn từ 6 tháng trở lên; từ 2 vụ việc trở lên quá hạn từ 6 tháng hoặc một vụ việc quá hạn từ 9 tháng trở đi; từ 2 vụ việc trở lên quá hạn một năm nhưng đều không có lý do chính đáng.

Theo quan điểm của luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Dự thảo trên đã xác định vai trò và trách nhiệm của thẩm phán, thẩm tra viên hay cán bộ khác của tòa án trong việc giải quyết các vụ án tuân theo quy định của pháp luật. Việc thẩm phán không được đề nghị bổ nhiệm lại nếu sai sót trong nhiệm vụ sẽ khiến họ phải cân nhắc, xem xét thấu đáo mỗi khi đưa ra phán quyết. Hay hành vi của cán bộ ngành tòa án ngồi ăn uống với các đương sự trước khi xét xử mà vụ việc mình đang thụ lý có thể bị kỷ luật sẽ tránh được tình trạng “chạy án”…

Từ đó, luật sư Bùi Quang Thu cho rằng, việc TAND Tối cao ban hành quy định trên là cần thiết vì nó đảm bảo công tác giải quyết các vụ án một cách khách quan toàn diện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngành tòa án cần có bộ phận để tiếp nhận và giải quyết những phản ánh của người dân đối với những sai phạm của cán bộ trong tòa án thì quy định về xử lý vi phạm trên sẽ được thực thi tốt hơn.

Trong Dự thảo này cũng quy định 6 hình thức kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động trong các TAND bao gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương (áp dụng đối với công chức); giáng chức (áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý); cách chức (áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức giữ chức danh thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký) và buộc thôi việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần