Không cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến công văn của Bộ Y tế gửi các Sở Y tế và các bệnh viện về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai, trong đó có phương pháp gây tê tủy sống đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người đã hiểu rằng, Bộ Y tế đã cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai vì có thể xảy ra tai biến. Vậy, thực hư nội dung công văn Bộ Y tế thế nào?

Chỉ cấm ở những trường hợp đặc biệt
Nhiều đơn vị y tế địa phương báo cáo, trong số các trường hợp mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ bị bệnh lý đặc biệt có một số tai biến. Trước tình trạng này, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị y tế trên toàn quốc áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với những sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với sản phụ đẻ mổ. Những tai biến có thể xảy ra như: Bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Ảnh minh họa.

Như vậy, việc cấm gây tê tủy sống chỉ áp dụng đối với các sản phụ có nguy cơ tai biến bởi các bệnh lý. Các sản phụ có sức khỏe bình thường vẫn có thể thực hiện biện pháp gây tê này. Thực tế, ở Việt Nam hầu hết các bệnh viện đã thực hiện quy định này. Tuy nhiên qua theo dõi, giám sát và thẩm định tại nhiều địa phương vẫn còn những cơ sở y tế gây tê tủy sống mọi trường hợp. Chính vì thế Bộ đã ban hành quy định trên nhằm tránh sai sót đáng tiếc khi mổ đẻ.
Cần hiểu đúng
BS Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, phương pháp gây tê tủy sống còn gọi là gây tê dưới màng cứng hay tê dưới màng nhện. Phương pháp này chỉ được áp dụng với những sản phụ có sức khỏe ổn định. Đối với sản phụ có bệnh lý đặc biệt, các bác sĩ sẽ không sử dụng biện pháp này. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ lâu đã thực hiện qui định này.
Cũng theo bác sĩ Khải, gây mê nội khí quản là kĩ thuật gây mê toàn thân được thực hiện bằng cách đặt một ống thông làm bằng cao su hay chất dẻo đi từ miệng hoặc mũi vào trong khí quản của bệnh nhân với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật. Như vậy, khi gây mê nội khí quản, bệnh nhân sẽ mất tri giác tạm thời dưới tác dụng của 1 hoặc nhiều loại thuốc gây mê. Nói khác đi, trong quá trình mổ lấy thai, sản phụ sẽ ngủ và không biết gì. Lúc tỉnh dậy, sản phụ cũng không nhớ gì về quá trình mổ nên không sợ hãi. Khác với phương pháp gây tê tủy sống, sản phụ chỉ mất cảm giác vùng nửa thân dưới nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Theo bác sĩ Khải, cả hai phương pháp gây tê tủy sống và gây mê nội khí quản đều có những điểm ưu việt và cả những tác dụng phụ. Tuy nhiên, gây tê tủy sống là phương pháp được ưu tiên hơn. Trong suốt cuộc mổ, mẹ vẫn tỉnh táo nên được nhìn thấy con, được nghe con khóc chào đời. Một cảm xúc rất thiêng liêng của tình mẫu tử. Bên cạnh đó, gây tê chi phí rẻ hơn so với thuốc mê, hạn chế nguy cơ trào ngược dạ dày và hít sặc. Ngoài ra, sau mổ, mẹ có thể cho con bú sớm hơn so với gây mê và được ăn uống, vận động sớm hơn. Còn với gây mê nội khí quản thuốc mê cũng có thể ngấm vào em bé, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Trước mỗi cuộc mổ đẻ, bác sĩ sẽ cân nhắc, tùy tình hình sức khỏe, sẽ thực hiện những biện pháp tốt nhất cho sản phụ.

95% ca mổ đẻ có thể áp dụng gây tê tủy sống

Xung quanh nội dung công văn Bộ Y tế gửi các đơn vị về cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai đối với một số trường hợp sản phụ bị bệnh lý đang gây hiểu nhầm trong dư luận, phóng viên đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến về vấn đề này.

Ông lý giải thế nào về những tranh cãi trong dư luận về nội dung trong công văn?

- Dư luận hiểu nhầm là do nhiều tờ báo giật tít chưa đúng bản chất vấn đề. Có tờ báo giật tít “Cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai”, “Thay gây tê tủy sống bằng gây mê trong mổ đẻ”... đã khiến dư luận hoang mang. Thực chất công văn này không phải là cấm hoàn toàn việc thực hiện gây tê tủy sống khi sinh mổ mà mang tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở về việc không thực hiện phương pháp này trong một số trường hợp vì dễ xảy ra tai biến. Từ lâu, các bệnh viện chuyên khoa sản, bệnh viện tuyến T.Ư đã thực hiện rất tốt vấn đề này.

Không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới với biện pháp mổ lấy thai thì bác sĩ đều sử dụng biện pháp gây tê tủy sống với tỷ lệ vào khoảng trên 95%. Với trường hợp đặc biệt không gây tê tủy sống chỉ dưới 5%. Với 5% này nếu gây tê tủy sống rất nguy hiểm cho người mẹ vì trong mổ nếu tụt huyết áp, băng huyết, thậm chí có trường hợp còn ngừng tuần hoàn khi mổ lấy thai thì việc điều trị khó khăn. Nếu chủ quan sẽ phải trả giá đắt cho việc mổ lấy thai bằng gây tê tủy sống này.

Những biến chứng có thể xảy ra khi gây tê bằng tủy sống, thưa ông?

- Kỹ thuật gây tê bằng tủy sống này hiện nay các đơn vị y tế đã áp dụng và thực hiện rất tốt, bác sĩ đều áp dụng. Trước đây, gây tê tủy sống bằng kim to thường có một di chứng, biến chứng là đau đầu, đau gáy nhưng bây giờ bác sĩ dùng kim nhỏ nên di chứng không còn nữa, so với gây mê thì gây tê tủy sống an toàn hơn. Trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định gây tê tủy sống hay gây mê nội khí quản.

Đối với trường hợp gây mê nội khí quản, có chống chỉ định nào không?

- Gây mê nội khí quản không được sử dụng cho trường hợp sản phụ ăn no. Nếu phải mổ cấp cứu thì nên hút sạch thức ăn ở dạ dày mới được gây mê nội khí quản, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây sặc. Nếu không phải phẫu thuật cấp cứu thì nên để qua 6 tiếng, thức ăn tiêu hóa hết khỏi dạ dày mới tiến hành gây mê nội khí quản. Trường hợp sản phụ vừa có những bệnh lý như rau tiền đạo, rau bong non, tiền sản giật nặng… kèm theo hen phế quản không thể gây mê nội khí quản mà cần gây tê tủy sống nhưng cần phải lường trước được biến chứng có thể xảy ra. Kíp mổ phải sẵn sàng các biện pháp cấp cứu được để tránh nguy hiểm cho sản phụ.

Xin cảm ơn ông!

Nam Trần thực hiện

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần