Không cần đơn, thuốc kháng sinh vẫn được bán dễ dàng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kháng thuốc không chỉ là mối đe dọa thường trực đối với an ninh, y tế công cộng tại Việt Nam, mà đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển.

Chiều 21/11, hơn 300 đại biểu đã tham dự và bày tỏ sự ủng hộ của mình tại sự kiện truyền thông về phòng chống kháng thuốc với chủ đề “Quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai, không lạm dụng-không dùng sai chỉ định” được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai  nhằm hưởng ứng Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc
Đây là sự kiện thường niên do Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tổ chức.
Theo các chuyên gia, thuốc kháng sinh mang lại nhiều lợi ích to lớn: Giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng của các bệnh nhiễm khuẩn; khống chế nhiều dịch bệnh gồm dịch hạch, dịch tả… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý đang làm gia tăng các trường hợp kháng thuốc, khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng khó điều trị; gây ngộ độc, dị ứng, loạn khuẩn... làm nặng thêm bệnh, nguy cơ tử vong cao.
 Quang cảnh buổi họp báo.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng,  kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi, và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau 5 năm thực hiện kiểm soát chặt, hiện nay tỷ lệ bác sĩ, cơ sở y tế kê đơn kháng sinh bừa bãi, sử dụng thuốc sai nguyên tắc đã giảm; hàng ngàn bác sĩ, dược sĩ cam kết không sử dụng thuốc kháng sinh sai nguyên tắc. “Song, khi chấn chỉnh được việc kê đơn trong bệnh viện thì hệ thống cửa hàng thuốc vẫn chưa quản lý chặt việc bán thuốc kháng sinh nên ở nhiều nơi, thuốc kháng sinh được bán dễ dàng mà không cần đơn thuốc, khiến cho việc lạm dụng vẫn phổ biến”– PGS.TS Lương Ngọc Khuê chỉ rõ.
Qua đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê mong muốn người bệnh, thầy thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan quản lý, không chỉ ngành y tế mà các bộ ngành liên quan, cùng chung tay thực hiện cam kết không lạm dụng, không sử dụng thuốc kháng sinh sai chỉ định, để đẩy lùi nguy cơ kháng thuốc, cứu sống người bệnh.
Đồng quan điểm, GS.TS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nhiều bệnh nhân chỉ mới chớm ho, hơi sốt, thì ngay lập tức đi mua thuốc về uống, mà không cần thăm khám; có bệnh nhân được bác sĩ kê đơn, rồi khi bệnh tái phát, họ đi mua lại theo đơn thuốc cũ. Vì người dân tự mua thuốc kháng sinh, sử dụng không đúng, nên thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh, đặc biệt là liều lượng sử dụng.  “Đơn cử, có thuốc phải dùng tới 3g/ngày, nhưng người dân tự uống chỉ dùng 1,5g/ngày. Hậu quả, khi sử dụng thuốc kháng sinh không đủ liều, vi khuẩn sẽ thích nghi với thuốc kháng sinh đó, thay vì bị tiêu diệt, đồng thời làm yếu sức đề kháng của cơ thể. Một số bệnh nhân tự dùng thuốc trong 2 - 3 ngày, khi thấy đỡ thì bỏ thuốc, làm lan tràn vi khuẩn kháng thuốc do kháng sinh không đủ liều lượng để diệt hết vi khuẩn”- GS.TS Ngô Quý Châu chia sẻ.
GS.TS Ngô Quý Châu cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh nhân mắc nhiều bệnh, việc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp dẫn tới không khỏi bệnh, không thể hấp thu thuốc và nhiều tác dụng không mong muốn khác.
Còn TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, ước tính, ở Việt Nam, tình hình kháng thuốc trở nên báo động. Thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2018 cho thấy, kháng sinh là một trong những loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cao nhất. Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất.
Càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì càng có nguy cơ, cơ hội cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Nếu không hành động ngay từ hôm nay, kháng thuốc sẽ gây ra hệ lụy. Đó là từ nay đến năm 2050 có trên 10 triệu ca tử vong mỗi năm, cao hơn số ca tử vong vì ung thư. Kháng thuốc tạo gánh nặng kinh tế  toàn cầu, tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD, đồng thời, từ nay đến năm 2030; 24 triệu người sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo.  “Để giảm tỷ lệ kháng thuốc, ngay từ bây giờ, phải cùng nhau giảm thiểu nhất có thể việc sử dụng kháng sinh không cần thiết”- TS Kidong Park khuyến cáo.