Không cần nhiều hỗ trợ

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc coi kinh tế tư nhân như là động lực của nền kinh tế một lần nữa được khẳng định rõ trong Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết T.Ư 5 Khóa XII) và những hành động quyết liệt của Chính phủ.

Thời gian qua cũng có những chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế này. Song ghi nhận trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân (dự kiến diễn ra cuối tháng 7 này) cũng như tại nhiều diễn đàn khác hầu hết các ý kiến từ DN cho thấy, không nên coi kinh tế tư nhân là quan trọng mà cần coi nó là chính bản thân nền kinh tế.
Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ khi chỉ “là một trong những động lực”, đến nay kinh tế tư nhân được nhấn mạnh “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế. Đây được coi là sự chuyển đổi tư duy khá quan trọng. Tuy nhiên câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển?

Thời gian qua, các giải pháp cho phát triển kinh tế thị trường đã được triển khai rộng khắp hơn, môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng đã được chú ý để tạo cơ hội cho mọi thành phần DN, không kể Nhà nước, DN nước ngoài hay DN ngoài quốc doanh, DN tư nhân. Trong cuộc đối thoại với DN ngay sau khi mới nhậm chức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp bao trùm của Chính phủ nhiệm kỳ mới đó là “DN là một động lực của phát triển kinh tế”, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy DN phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thông điệp này bước đầu đã tạo hiệu ứng đối với cộng đồng DN khi số lượng DN thành lập mới tăng mạnh (hơn 110.000 DN thành lập mới trong năm 2016, tăng hơn 16% so với năm trước đó). Và từ đầu năm đến nay, con số này là hơn 61.000 DN (tăng 12,4%). Số lượng DN bỏ thêm vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra đó là chính sách có nhiều nhưng còn phân tán, thiếu minh bạch, DN khó tiếp cận, quá trình từ quy định đến thực thi chậm đi vào cuộc sống. Cụ thể như việc rà soát các loại giấy phép con cho thấy, đó là một rừng văn bản trong cách nhìn và đánh giá của DN. Thậm chí, một số bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành giấy phép con, điều kiện kinh doanh trong thông tư, điều này không chỉ đi ngược với xu thế hiện nay mà còn khiến môi trường kinh doanh bị méo mó…

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần quyết liệt trong việc thay đổi tư duy. Không thể chấp nhận việc duy trì mối quan hệ ban phát hay xin - cho giữa Nhà nước và DN thông qua áp dụng các cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi; Không cần nhiều những chính sách hỗ trợ. Điều mà các DN cần ở đây là sự bình đẳng, đồng thuận trong môi trường chính sách, cơ hội kinh doanh. DN có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng trong các tiếp cận với các lợi thế kinh doanh, nguồn vốn… thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt hơn. Và khi đó tạo động lực cho kinh tế từ nhân không chỉ là việc cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh mà nó là sự diễn tiến của quá trình phát triển DN. Và trong đó DN tư nhân chính là bản thân nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần