Không chấp hành khai báo y tế theo quy định: Đừng ích kỷ

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang tổng rà soát toàn bộ công dân đến và về từ Hải Dương để xét nghiệm SARS-CoV-2. Điều đáng lo, trong khi cả hệ thống chính trị đang gồng mình chống dịch, thì một số cá nhân lại ích kỷ, thiếu ý thức, không chấp hành khai báo y tế theo quy định.

 Lấy mẫu xét nghiệm người về từ Hải Dương tại quận Ba Đình. Ảnh: Ngọc Tú
Bài học nhãn tiền về ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân số 17 vẫn còn đó, không khai báo y tế khiến cả Thủ đô phải căng mình chiến đấu với Covid-19. Trong đợt dịch lần thứ 3 này, bệnh nhân 1883 là công chứng viên ở quận Cầu Giấy cũng loanh quanh khai báo, cố tình che giấu những người tiếp xúc. Đến khi bệnh nhân 1956 ở 88 Láng Hạ mắc bệnh do tiếp xúc với anh thì sự việc mới vỡ lở. Hay việc một bệnh nhân ở chung cư 99 Trần Bình (quận Cầu Giấy) không khai báo và cách ly tập trung khi tiếp xúc với F0, ảnh hưởng đến cộng đồng và công tác phòng, chống dịch của cả TP. Sự việc mới đây nhất khiến cả TP Hải Dương suýt bị phong tỏa chỉ vì chùm ca bệnh trong một gia đình tiếp xúc với F0 tại đám cưới nhưng không chịu khai báo cũng là bài học đáng nhớ.

Trong đợt dịch lần trước, Hà Nội đã ráo riết, quyết liệt xét nghiệm cho hơn 100 nghìn người trở về từ Đà Nẵng. Trong đợt dịch lần này, Hải Dương đang là vùng dịch phức tạp, khó lường, lại là chủng virus biến chủng, khả năng lây lan cực lớn, Hà Nội dù không “ngăn sông cấm chợ” nhưng tất cả những trường hợp đến và về từ Hải Dương đều phải xét nghiệm Covid-19. Đây là giải pháp tốn kém cả về nhân lực, vật lực nhưng giúp đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Vậy nhưng, vẫn có tình trạng người dân vì sợ khai báo y tế phải đi cách ly nên trốn tránh xét nghiệm. Có trường hợp sau khi được người thân, thậm chí cán bộ y tế vận động mới chịu khai báo y tế.

Ai cũng có thể nhiễm Covid, vì không ai biết được mình có thể đã tiếp xúc với F0, F1. Nhưng khi đã biết có yếu tố dịch tễ, trở về từ vùng dịch mà không khai báo y tế thì có thể sẽ gây nên những hậu quả khó lường. Cả một hệ thống biết bao nhiêu con người đang lăn xả, lao vào cuộc chiến chống dịch mới với tất bật lo toan. Hàng triệu chiến sĩ áo xanh, “siêu nhân” áo trắng cùng các lực lượng khác đã hơn một năm ròng trên mặt trận xung kích. Những vất vả, hy sinh là vô cùng tận, không thể kể xiết...

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, khi người dân đồng lòng, hợp tác, ý thức, thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, công cuộc chống dịch của đất nước sẽ sớm thành công. Ngược lại, chỉ một sơ suất nhỏ hay chỉ một cá nhân không tuân thủ quy định, là có thể gieo rắc mối nguy cho cả cộng đồng. Mỗi người hãy gạt đi những toan tính ích kỷ cá nhân để cùng nhau chống dịch. Vaccine hay thuốc đặc trị Covid-19 vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại tuân thủ một cách nghiêm túc nhất mệnh lệnh của Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế chính là cách đơn giản, hữu hiệu nhất góp phần đẩy lùi dịch bệnh.