“Không chấp nhận bất kỳ hành vi tiếp tay, bảo kê cho vi phạm pháp luật”

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Ngày 27/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (2007-2017). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự và phát biểu chỉ đạo.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, loại trừ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, nhận diện một cách khách quan, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan thực thi mà còn là trách nhiệm của Hiệp hội và chính các doanh nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lĩnh vực chống hàng giả là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. “Chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành các quy định, thủ tục về giám định hàng giả và kiện toàn các tổ chức giám định hàng hoá đi liền với công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác giám định theo quy định của pháp luật với sự tham gia của các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, lực lượng thực thi, nhất là người đứng đầu phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất cán bộ, năng lực thực thi, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Trong thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ không chỉ kênh phân phối hàng hoá truyền thống, mà còn phải chú trọng kiểm soát hàng hoá bán qua mạng internet, thương mại điện tử. Tại khu vực biên giới, Hải quan, Biên phòng và lực lượng chức năng khác phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay tại biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tại địa bàn dân cư, cơ quan và lực lượng chức năng và nhân dân thường xuyên giám sát các điểm bán hàng để có biện pháp kịp thời xử lý những cơ sở tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, ứng dụng công nghệ sản xuất cao, nhãn mác đẹp, giảm giá thành sản phẩm, chú ý xây dựng thương hiệu Việt. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong phát hiện và xử lý vi phạm.

“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân giữ gìn thương hiệu, đề cao lương tâm và trách nhiệm, hãy vì lợi ích quốc gia, hãy nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Phó Thủ tướng Thường trực kêu gọi.

Về phía người dân, vẫn còn nhiều người tiêu dùng mặc dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn tiếp tay, vẫn sử dụng bởi họ mới thấy lợi ích trước mắt, không thấy hậu quả khôn lường của hàng giả, chưa thấy được tác hại to lớn với cộng đồng, nền sản xuất trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng chân chính.

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Hiệp hội làm tốt một số nhiệm vụ như phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các cơ quan báo chí, Mặt trận, đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng và phát động Chương trình toàn xã hội tích cực tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh mọi mặt công tác tuyên truyền các kênh thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần