Không chỉ là thiên tai

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 72 người chết, 30 người bị mất tích, trên 50.000 ngôi nhà bị ngập, sập là con số thiệt hại do mưa lũ được cập nhật cho đến chiều 16/10.

Đây được coi là thiệt hại lớn nhất do thiên tai từ đầu năm đến nay dù chỉ dưới tác động của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu. Nhiều người đã chua xót ví von, dự báo mưa lũ chỉ như “con kiến” nhưng thiệt hại thực tế lại là “con voi”. Không chỉ băn khoăn về câu chuyện dự báo, nhiều bất cập đang tồn tại trong ứng phó với thiên tai cũng khiến cho hậu quả trở nên nặng nề hơn.
Chắc chắn, rất nhiều người dân các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La… không thể nào quên cảnh tượng những trận mưa xối xả với cường độ lớn, dồn dập gây nên lũ quét tàn phá kinh hoàng mấy ngày trước. Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, hồ Hòa Bình phải mở đến 8 cửa xả đáy để đảm bảo an toàn khiến cho lưu lượng nước trên sông Hồng tăng đột biến. Chính đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phải lắc đầu cho rằng, dự báo lưu lượng mưa chênh lệch quá lớn so với thực tế.
Cụ thể, vào thời điểm 15 giờ ngày 10/10, cơ quan dự báo nhận định lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình là 2.900m3/s nhưng thực tế lên tới 11.290m3/s, chênh lệch hơn 8.000m3/s. Liên tiếp những bản tin dự báo không sát thực tiễn phần nào khiến cho công tác điều hành hồ chứa gặp khó khăn. Nói về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường biện minh: “Dự báo mưa là khó, mưa cực đoan càng khó hơn”. Một lãnh đạo khác của đơn vị này cũng hài hước ví von “dự báo cũng giống như bắn súng, càng cách mục tiêu xa thì càng kém chuẩn xác”. Điều đó cho thấy rõ sự lúng túng và bất lực của công tác dự báo khí tượng, thủy văn hiện nay.
Cùng với những hạn chế trong công tác dự báo, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua còn đến từ một số nguyên nhân chủ quan khác. Ấy là công tác tu bổ đê điều còn bất cập. Báo cáo của Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi) ngày 16/10 cho thấy, trong đợt mưa lũ từ ngày 10 - 13/10, trên các tuyến đê đã đã xảy ra 170 sự cố với chiều dài gần 46km, trong đó có cả tại Hà Nội. Điều đáng nói, kinh phí của Nhà nước dành cho tu bổ hệ thống đê điều, thủy lợi hàng năm là rất lớn, song việc này không thực hiện đến nơi đến chốn dẫn tới thân đê không đủ sức chống chịu trước mưa lớn. Phải chăng, quá lâu rồi miền Bắc không có mưa và lũ lớn như năm nay nên nhiều địa phương còn tư tưởng chủ quan, xem thường công tác tu bổ đê điều?
Đánh giá về những sự cố sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi do mưa lũ vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng thừa nhận, tại một số tỉnh miền núi đã xuất hiện ngày càng nhiều những cánh rừng nguyên sinh bị "cạo trọc", thay vào đó là những nương ngô, nương sắn. Do đó, khi có mưa lũ dồn dập, không còn lớp “áo giáp” vững chãi che chắn nên nước mưa nhanh chóng ngấm sâu vào lòng đất, gây sạt lở vùi lấp nhà dân…
Rõ ràng, hậu quả của mưa lũ không chỉ đến từ thiên tai, mà phần nào do chính “nhân tai” gây nên. Nếu không nhận diện và giải quyết được những tồn tại này, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều hơn nữa những mất mát, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần