Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Không chủ quan khi trẻ nói ngọng

Kinhtedothi - Trẻ nói ngọng, phát âm không rõ ràng khiến trẻ có thể cảm thấy tự ti và dẫn đến việc ngại giao tiếp, thậm chí trầm cảm. Ngoài ra, nói ngọng có thể làm ảnh hưởng đến đọc - viết sai, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt lẫn ngoại ngữ. Đưa con đến bệnh viện (BV) khám, rất nhiều gia đình bất ngờ khi bác sĩ cho biết, con họ nói ngọng là do nghe kém.
 Ảnh minh họa.
Cha mẹ chủ quan, con gánh hậu quả

Tại Trung tâm Thính học & Trị liệu Ngôn ngữ, BV Nhi Trung ương hàng ngày có khá nhiều gia đình có con trong độ tuổi đi học xếp hàng chờ khám. Chị Nguyễn Thu Mai (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) mang cả hai con, một bé gái học lớp 3 và bé trai đang học mẫu giáo 5 tuổi đến BV kiểm tra. Chị Mai cho biết, cháu bé học lớp 3 điểm môn tiếng Việt lúc nào cũng kém do đọc và viết sai chính tả. Thậm chí đến năm học này, cháu không thích giơ tay phát biểu trên lớp và hay chơi một mình, không chơi với các bạn ở lớp. “Lỗi là do tôi không để ý các con từ nhỏ. Sau khi làm các test đo thính lực và kiểm tra khả năng phát âm - ngôn ngữ, tôi rất lo khi biết vốn từ vựng của con ít hơn so với độ tuổi, và khả năng hiểu lời hội thoại của con chỉ đạt 80%. Tôi không ngờ con tôi nói ngọng là do bị nghe kém” - người mẹ trẻ không giấu được sự ân hận.

Cùng chờ làm thủ tục đưa con vào khám như chị Mai là một vợ chồng chị Trần Quỳnh Hương đến từ Thái Nguyên. Chị Hương cho biết: “Khi thấy cháu nói ngọng, nhiều chữ cứ ríu vào nhau, nhà tôi chữa mẹo đủ kiểu, như đi cướp đồ ăn ngoài chợ, rồi đi gặp thầy lang rút lưỡi nhưng không ăn thua. Khi đưa con đến đây khám, bác sĩ cho biết, con tôi nói ngọng là do nghe kém mức độ trung bình cả hai tai. Giờ cháu phải đeo máy trợ thính sau đó đi luyện nói và sửa ngọng”.

Bác sĩ Lại Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thính học & Trị liệu Ngôn ngữ cho biết, tại trung tâm, cứ 10 bệnh nhi đến khám về vấn đề nói ngọng thì có 1 bệnh nhân do nghe kém. Mức độ nghe kém của trẻ nói ngọng thường ở nhẹ đến trung bình nặng, ở mức độ này trẻ vẫn phản ứng khá tốt với âm thanh. Vì vậy, cha mẹ thường không nghĩ con bị nghe kém vì theo quan niệm thông thường, nghe kém là không nghe thấy gì.

Nguyên nhân nói ngọng thường bị bỏ qua

Chia sẻ về nguyên nhân của vấn đề nói ngọng thường gặp ở trẻ em, bác sĩ Lại Thu Hà cho biết, nói ngọng là một vấn đề nói về khả năng phát âm không rõ ràng ở trẻ nhỏ hoặc thậm chí cả ở người lớn. Trong y khoa, nói ngọng được gọi là rối loạn phát âm, có nhiều nguyên nhân gây ra: Có thể do cấu trúc môi - vòm bất thường, hoặc có thể do bại não; có thể do quá trình thụ đắc ngôn ngữ chậm trễ dẫn đến hệ thống âm vị trên não bị trì trệ lại nên hệ thống phát âm âm vị của trẻ chưa được hoàn thiện. Những nguyên nhân trên rất dễ nhận biết. Nhưng có một căn nguyên mà các cha mẹ, thậm chí cả các nhà chuyên môn hay bị bỏ sót đó là do sức nghe để lại.

“Thường bố mẹ rất khó phát hiện ra trẻ nghe kém nếu trẻ chỉ nghe kém một bên tai, hoặc nghe kém mức độ nhẹ đến trung bình nặng hai tai, nghe kém tiến triển, nghe kém tần số cao, hoặc nghe kém tần số thấp… Hầu hết trẻ nhỏ bị một trong các vấn đề trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện phát âm theo đúng lứa tuổi của mình và vốn từ vựng không phong phú, đa dạng. “Nhiều người nghĩ rằng, con mình chỉ nói ngọng lúc bé và lớn lên sẽ hết nên thường đưa con đi khám muộn, thậm chí khi con học cấp 2 mới đưa đi khám. Đối với những trường hợp như vậy, giải pháp cho trẻ là phải đeo các thiết bị trợ thính và có kế hoạch trị liệu ngôn ngữ phù hợp cho từng đối tượng cụ thể thì mới giải quyết được” - bác sĩ Hà cho biết thêm.

Nói ngọng tuy là một khiếm khuyết không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhưng lại là một cản trở lớn trong quá trình phát triển, hòa nhập cộng đồng của các con. Một trong những nguyên nhân là do chủ quan trong nhận thức của cha mẹ đối với vấn đề rối loạn phát âm ở trẻ. Theo khuyến cáo của bác sĩ Hà, cha mẹ khi thấy con mình phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc, hãy đưa trẻ khám để trẻ được can thiệp, điều trị kịp thời.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Siết chặt việc mua bán thuốc theo đơn

Siết chặt việc mua bán thuốc theo đơn

05 Jul, 04:21 PM

Kinhtedothi - Thông tư 26/2025/TT-BYT Bộ Y tế ban hành không chỉ bổ sung các trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc mà còn đưa ra quy định cụ thể về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, thời gian sử dụng. Thay đổi kỹ thuật nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn với người bệnh.

Đảm bảo an toàn thực phẩm đợt cao điểm trên địa bàn TP Hà Nội

Đảm bảo an toàn thực phẩm đợt cao điểm trên địa bàn TP Hà Nội

05 Jul, 12:06 AM

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm “từ sớm, từ xa”, tập trung phòng ngừa rủi ro ngay từ khâu đầu vào, kiểm soát điều kiện sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Bệnh viêm gan B diễn tiến âm thầm: nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện muộn

Bệnh viêm gan B diễn tiến âm thầm: nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện muộn

04 Jul, 06:39 PM

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều bệnh nhân viêm gan B, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là ở người trẻ tuổi, khi sức khỏe còn tốt, hầu như không có triệu chứng. Chuyên gia y tế cảnh báo, viêm gan B có diễn tiến âm thầm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng nặng nề như xơ gan hoặc ung thư gan, thậm chí là tử vong.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ