Không chủ quan với cúm gia cầm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội chỉ xuất hiện một vài ổ dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ, tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh này hiện vẫn rất cao, đòi hỏi các cấp ban, ngành, địa phương cần chủ động những giải pháp phòng, chống.

9 huyện có nguy cơ cúm gia cầm cao
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm vẫn xuất hiện rải rác ở một vài hộ. Tuy nhiên, bệnh không lây lan diện rộng sang các hộ lân cận. Thời gian xuất hiện thường vào giai đoạn nửa đầu năm. 90% gia cầm bị bệnh là gà, vịt; còn lại là ngan, ngỗng…
Cùng với những nỗ lực ngăn chặn bệnh cúm gia cầm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, hàng năm, Hà Nội đã chủ động bố trí kinh phí, chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành mua và cấp phát miễn phí hàng triệu liều vaccine cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi. Công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại cũng được thực hiện thường xuyên với tần suất khoảng 5 lần/năm. Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE)… định kỳ lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh cúm A.
 Lực lượng chức năng kiểm soát vận chuyển gia cầm ra vào nội đô TP Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Dù vậy, nguy cơ xâm nhiễm, lây lan bệnh cúm gia cầm trên địa bàn TP vẫn rất đáng lo ngại. Nguyên nhân là do tổng đàn gia cầm của Hà Nội thuộc tốp đầu cả nước với khoảng 28 triệu con. Tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn phổ biến khiến việc áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, kết quả đánh giá của Bộ NN&PTNT đầu năm 2019 chỉ ra, Hà Nội hiện có tới 9 vùng (cấp huyện) có nguy cơ cúm gia cầm cao là: Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Phú Xuyên. Trong khi, 21 quận, huyện còn lại cũng được đánh giá là có nguy cơ cúm gia cầm, dù ở mức độ thấp hơn.
Chuyển dịch ngành chăn nuôi gia cầm
Một trong những giải pháp được đánh giá là có hiệu quả hiện nay để phòng, chống bệnh cúm gia cầm là phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi và an toàn dịch bệnh. Cụ thể hóa giải pháp trên, thời gian qua, Hà Nội đã bước đầu chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, quy mô lớn.
Bước đầu đã hình thành được những trang trại, gia trại xa khu dân cư với quy trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng phát triển lĩnh vực con giống gia cầm. Nhiều vùng sản xuất giống đã được quy hoạch, đầu tư phát triển như tại các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì… Hiện, mỗi năm Hà Nội xuất đi khoảng 50 triệu con giống cho các tỉnh, TP trên cả nước.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để phòng, chống có hiệu quả bệnh cúm gia cầm, về lâu dài, các bộ, ngành cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi giống gia cầm bản địa, sản phẩm đặc sản. Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng những vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Đồng thời, chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ cán bộ làm công tác chăn nuôi - thú y cũng như thực hiện các hoạt động giám sát bệnh cúm gia cầm, thay vì trông chờ nguồn kinh phí đài thọ từ các tổ chức quốc tế.
Về phía Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, sẽ xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm gia cầm trên cơ sở Kế hoạch quốc gia phòng, chống cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên như phân vùng, giám sát, xử lý dịch bệnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc gia cầm, kiểm soát tốt giết mổ, ấp nở và kiểm dịch tại các chợ buôn bán gia cầm sống. Đặc biệt là hướng dẫn các địa phương, các tổ chức, DN xây dựng những chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần