Không chủ quan với lạm phát mục tiêu

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những điểm nổi bật trong việc chuyển đổi tư duy là kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Diễn biến trong 5 tháng đầu năm dễ dẫn đến chủ quan, nếu không có những giải pháp ứng phó với những yếu tố gây ra lạm phát trong những tháng còn lại.

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Diễn biến đáng chú ý
Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của chỉ số chứng khoán cao hơn (tăng 29,8% so với tăng 21,2%), lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND vào 25/5/2018 cơ bản vẫn bằng với mức cùng kỳ năm trước; còn các chỉ số CPI, giá vàng, giá USD bình quân 5 tháng 2018 so với cùng kỳ năm trước đều thấp hơn các con số tương ứng của cùng kỳ năm 2017.

Diễn biến trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy một số điểm đáng lưu ý. Nhìn tổng quát, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước còn thấp xa so với con số tương ứng của cùng kỳ năm trước và còn thấp xa so với mục tiêu của cả năm 2018.

Việc tăng thấp này do nhiều yếu tố. Xét về mặt hàng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ (lên đến gần 40%) có tốc độ tăng rất thấp (0,79%), trong đó của giá thực phẩm bình quân 5 tháng còn giảm (0,16%). Hầu hết các nhóm hàng còn lại đều tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, như đồ uống và thuốc lá (1,36%); may mặc, giày dép, mũ nón (1,40%); thiết bị và đồ dùng gia đình (1,2%); văn hóa, giải trí và du lịch (1,04%); hàng hóa và dịch vụ khác (2,57%), thậm chí còn giảm như bưu chính viễn thông (0,49%). Xét về tâm lý, giá vàng, giá USD tăng thấp hơn cùng kỳ. Xét về dòng tiền, tiền vào chứng khoán lớn và tăng cao, sẽ làm giảm tương đối lượng tiền vào hàng tiêu dùng.

Chưa thể lạc quan

Khuyến cáo này xuất phát từ hai nhóm yếu tố. Về mặt tính toán, nếu năm trước tốc độ tăng CPI thấp dần vào cuối năm, thì gốc so sánh của tốc độ tăng giá tiêu dùng vào các tháng còn lại sẽ có xu hướng cao lên do số gốc so sánh thấp xuống.

Về các yếu tố có liên quan đến CPI: Sự tăng/giảm của giá tiêu dùng do nhiều yếu tố, nhưng yếu tố trực tiếp là tiền tệ. Nhìn toàn cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức 120% - cao gấp rưỡi, gấp đôi tỷ lệ theo thông lệ của thế giới, của những nước trong khu vực ASEAN. Trong điều kiện đó, nếu tiền từ hệ thống ngân hàng ra lưu thông mà nhiều hơn từ lưu thông vào hệ thống ngân hàng thì giá sẽ tăng lên. Số liệu thống kê trong những tháng đầu năm 2018 cho thấy, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng tiền gửi; dự trữ ngoại tệ tăng nhanh đạt kỷ lục mới chủ yếu do một lượng tiền lớn từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra mua, dù có biện pháp trung hòa hút tiền về nhưng có số lượng và thời hạn chưa tương ứng...

Một yếu tố quan trọng của giá cả là chi phí đẩy tăng. Chi phí đẩy tăng do nhiều yếu tố cụ thể. Giá nhập khẩu tăng, nhất là giá xăng dầu và có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của giá xuất khẩu, làm cho tỷ giá thương mại chuyển từ dấu dương trong mấy năm trước sang mang dấu âm trong những tháng đầu năm nay. Nhiều chỉ số giá ở trong nước (giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất, giá sản xuất, giá cước vận tải kho bãi, giá sản xuất dịch vụ) tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng giá dịch vụ cao (y tế tăng 20,87%, giáo dục tăng 6,39%).

Ở tầm cơ bản và tổng quát hơn là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP, giữa tổng cung và tổng cầu. Tốc độ tăng tích lũy tài sản và tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng cao hơn tốc độ tăng của GDP. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Từ tháng 7 lương cơ sở tăng. Một yếu tố quan trọng là tâm lý, nếu cộng hưởng với các yếu tố trên sẽ làm cho việc kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.