Friday, 09:17 23/04/2021
Không có chuyện “thổi tuổi” cầu phao Lương Phúc để xin vốn
Kinhtedothi - Chủ trương chung của TP cũng như của ngành GTVT Hà Nội là thay thế tất cả các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn bằng công trình cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu để phục vụ giao thông và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phan Trường Thành |
Xin ông cho biết, có hay không việc “thổi tuổi” cầu phao tạm tại thôn Lương Phúc để làm dự án thay thế bằng cầu bê tông cốt thép?- Cầu phao được xây dựng tại khu vực bến đò Lương Phúc, dù bao nhiêu tuổi vẫn chỉ là một cầu tạm, không được thẩm định, thiết kế, xây dựng theo đúng các quy định hiện hành. Đặc biệt, nó gây cản trở dòng chảy của sông trong mùa mưa lũ và vô cùng nguy hiểm cho người dân qua lại. Hiện nay, do không có cầu kiên cố nên người dân vẫn buộc phải sử dụng cầu phao. Từ nhu cầu bức thiết của Nhân dân khu vực, được cử tri kiến nghị lên HĐND các cấp nhiều lần, UBND huyện Sóc Sơn đã đề xuất TP cho xây dựng một cây cầu mới qua sông Cà Lồ, đoạn thôn Lương Phúc. Với tư cách là cơ quan chuyên môn đề xuất, tôi khẳng định, không có chuyện “thổi tuổi” cầu phao để lấy vốn thi công cầu vĩnh cửu ở đây.Vậy ông giải thích thế nào về việc tại văn bản trình UBND TP Hà Nội, Sở GTVT cho rằng, cầu phao tạm Lương Phúc đã được xây dựng từ năm 1984?- Tại 2 cuộc họp về đầu tư xây dựng cầu qua bến đò Lương Phúc, có sự tham gia của UBND huyện Sóc Sơn, huyện đều cho biết, cầu phao tạm Lương Phúc được xây dựng từ năm 1984. Bên cạnh đó, sở cũng nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Nghĩa - chủ đầu tư cầu phao Lương Phúc, cho biết cầu được xây dựng từ năm 1995 và năm 2017 được xây dựng mới bằng sắt thép. Sở GTVT đã có văn bản gửi huyện Sóc Sơn yêu cầu xác minh làm rõ thông tin này, có hay không việc xác định thời gian cầu được xây dựng từ năm 1984 và mới đây có sửa chữa, xây mới lại. Việc này còn chờ phía UBND huyện Sóc Sơn làm rõ nhưng chắc chắn, cầu phao Lương Phúc đã có từ hàng chục năm trước và chưa được cơ quan chức năng nào kiểm định, xác nhận an toàn kỹ thuật.
Cầu phao Lương Phúc bắc qua sông Cà Lồ, nối xã Việt Long, Sóc Sơn với Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Bích Diệp |