Báo chí giám sát việc dùng xe công đi lễ hội

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng tăng liên tục trước ngày vía thần tài; Đề nghị báo chí giám sát việc dùng xe công đi lễ hội; Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc cấp biển 80A, 80B... cho doanh nghiệp; Số người lên Hà Nội chúc Tết giảm hẳn so với mọi năm... là những sự kiện trong nước được dư luận quan tâm tuần qua.

Số người lên Hà Nội chúc Tết giảm hẳn so với mọi năm
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định điều này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017.
Cụ thể, tại cuộc họp báo PV đặt câu hỏi: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ có đánh giá việc các tỉnh về Hà Nội chúc Tết giảm 70% so với năm trước. Xin Người phát ngôn của Chính phủ cho biết là căn cứ nào để đưa ra đánh giá này?
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã thúc giục các bộ, ngành, địa phương và các cấp chính quyền là phải bắt tay ngay vào công việc, không để tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi", xin Người phát ngôn cho biết là Chính phủ có biện pháp nào để tình trạng đủng đỉnh, lơ là công việc sau dịp Tết không diễn ra?
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng 
Trả lời PV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: “Đúng là tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có nói các địa phương, các bộ, ngành thực hiện khá tốt chỉ thị của Ban Bí thư và của Thủ tướng.
Vậy đưa ra con số 70% này, cơ sở ở đâu? Có thể nói chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện một Chính phủ hành động, quyết liệt, nói là làm. Thủ tướng đã ký chỉ thị, các cơ quan đều ra yêu cầu bắt buộc không tiếp khách đến chúc Tết.
Ở VPCP, trước khi tôi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ), tôi đã ký một công văn yêu cầu không được chúc Tết, tặng quà cho lãnh đạo VPCP, lãnh đạo vụ, cục của cơ quan VPCP.
Tại sao lại như vậy? Việc cấm chúc Tết, tặng quà không phải năm nay mới có, chúng ta đưa ra mấy năm nay rồi nhưng không thực hiện được. Do đó, chúng ta phải công khai như thế để anh em cấp dưới dễ thực hiện. Nếu Bộ trưởng, Chủ nhiệm không ký, để cho một Phó Chủ nhiệm hay Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký thì sẽ khác hoàn toàn.
Ngay Thủ tướng sáng nay cũng nói là có người nói với Thủ tướng, năm nay nhân dân đón Tết rất tốt, vui tươi phấn khởi, an ninh trật tự được bảo đảm, số người lên Hà Nội chúc Tết giảm hẳn so với mọi năm.
Có thể 70% là tỉ lệ ước lượng, có thể hơn 70%, cũng có thể xấp xỉ, nhưng tôi khẳng định, ngay tại VPCP, không có địa phương nào lên chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, VPCP.
Các đồng chí cứ kiểm nghiệm, nếu có chúng tôi sẽ nhận khuyết điểm ngay. Nếu như ở nơi này, nơi khác còn việc lên chúc Tết thì chúng ta sẽ tập trung xử lý để thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày mồng 6 đi làm và ngay trong ngày, Thủ tướng đã ký Chỉ thị, yêu cầu 7 vấn đề. Thứ nhất là triển khai ngay Nghị quyết 01 của Chính phủ, triển khai ngay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện bằng được những mục tiêu đã đề ra. Thứ hai là nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng xe công, giờ làm việc để làm việc riêng, tham dự lễ hội. Đặc biệt là phải bắt tay ngay vào làm việc ngay từ giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu của năm mới, sau kỳ nghỉ Tết.
Với tinh thần như thế, các bộ, ngành, địa phương hoạt động trở lại bình thường. Tại các doanh nghiệp, mọi năm còn có hiện tượng đi chậm, đi muộn, không đến làm việc, nhưng năm nay qua báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng ta rất mừng là các doanh nghiệp đều cho biết lao động trở lại đi làm bình thường. Người dân xuống đồng từ mùng 3, mùng 4, và Lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cũng đã bắt tay làm việc ngay”.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc cấp biển 80A, 80B... cho doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp kiểm tra việc cấp biển số xe ô tô trong thời gian qua.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo đó, căn cứ báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại văn bản số 7443/UBND-GT, ngày 1/12/2016 và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp biển số xe ô tô trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo như sau:
Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số xe ô tô 80A, 80B... cho các doanh nghiệp (các loại hình) thời điểm từ ngày 1/6/2014 đến nay.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy; nếu phát hiện vấn đề bất cập đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, trả lời phóng viên về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, sau khi có báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số ô tô 80A, 80B... cho các doanh nghiệp (các loại hình).
Thực hiện vấn đề này, Bộ Công an đã giao cho Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với cơ quan liên quan rà soát việc sử dụng những xe biển 80A, 80B... Căn cứ theo quy định, việc xử lý sau này sẽ thông báo lại cho các nhà báo biết.
Vàng tăng giá liên tục trước ngày vía Thần Tài
Thị trường vàng trong nước đang nóng dần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và ngày vía Thần tài vào ngày 6/2 (mùng 10 âm lịch). Giá vàng tiếp tục tăng mạnh có thời điểm chạm ngưỡng 38 triệu đồng/lượng, đây là ngưỡng cao nhất kể từ thời điểm hậu Brexit hồi tháng 7/2016.

Trong các phiên giao dịch đầu năm mới 2017, giá vàng đã liên tục “nhảy múa”, so với thời điểm trước khi thị trường nghỉ Tết, giá vàng tăng từ 500.000 đồng và 600.000 đồng/lượng mỗi chiều. Thị trường vàng miếng có dấu hiệu trùng lại, giới đầu tư đang kỳ vọng vào ngày Vía Thần tài (mùng 9 và 10 tháng Giêng (Âm lịch)) sẽ có những phiên giao dịch sôi động.

Chiều 4/2, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết mức 37,2 - 37,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) đối với giao dịch bán lẻ. Trong khi đó mở cửa buổi sáng, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 200.000 đồng lên 37,45 - 37,75 triệu đồng/lượng.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Trong tuần qua, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Và thống kê cho thấy, dịp Tết Đinh Dậu 2017 có 203 người chết và 417 người bị tàn tật trong 368 vụ TNGT xảy ra trong 7 ngày Tết. Trung bình, mỗi ngày có 29 người tử vong vì TNGT và 59 người bị thương. Trong 7 ngày nghỉ Tết, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và tăng so với Tết Bính Thân.

 Dịp Tết Đinh Dậu 2017 có 203 người chết và 417 người bị tàn tật trong 368 vụ TNGT

So với 7 ngày Tết Bính Thân 2016, có thể thấy Tết Nguyên đán 2017 tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp hơn, tai nạn giao thông đã tăng trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ tai nạn giao thông tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5 %), tăng 135 người bị thương (48%).

Đề nghị báo chí giám sát việc dùng xe công đi lễ hội

Sáng 3/2, tại trụ sở Chính phủ, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng kết luận: Cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, bảo đảm Tết an bình cho người dân, đặc biệt tập trung lo cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng thiên tai và lo cho công nhân. Chúng ta đã cấp gần 15.000 tấn gạo và hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn.
An ninh, an toàn trật tự cơ bản được bảo đảm. Hàng hóa đầy đủ phục vụ Tết, giá cả ổn định. Chỉ số CPI tháng 1 chỉ tăng 0,46% (so với tháng 12/2016). Chế độ trực Tết của các cơ quan hành chính được bảo đảm.
“Thông tin báo cáo của các cơ quan chức năng với Thủ tướng kịp thời, nghiêm túc”, Thủ tướng nói và bày tỏ vui mừng khi nghe thông tin các tỉnh về Hà Nội chúc Tết đã giảm, mà theo đánh giá là giảm 70%. Thủ tướng cho rằng con số này thể hiện sự thay đổi rất lớn về tư duy trong việc thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
 Ảnh minh họa

Về mặt tồn tại, Thủ tướng bày tỏ ưu tư về tình trạng tai nạn giao thông gia tăng, tình trạng đánh nhau do uống rượu dịp Tết chưa giảm cũng như còn xảy ra một số vụ cháy nổ lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, cần rút kinh nghiệm để sang năm có Tết ấm cúng hơn, an toàn hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2017 đạt nhiều kết quả tích cực, Thủ tướng đề nghị tập trung một số nhiệm vụ thời gian tới như chấn chỉnh ngay các bất cập đã nêu tại Công điện mà Thủ tướng ban hành ngày 2/2 như một số biểu hiện không lành mạnh trong lễ hội. Các địa phương và ngành văn hóa phải khắc phục tình trạng này.
Nhấn mạnh, bất cứ cán bộ, công chức nào đi lễ hội trong giờ hành chính, trừ cán bộ được phân công, hay dùng xe công đi lễ hội, thì phải xử lý nghiêm, Thủ tướng đề nghị báo chí kiểm tra, giám sát mạnh mẽ việc thực hiện chủ trương này.
Một số việc ngay từ đầu năm phải triển khai, Thủ tướng chỉ rõ, đó là: Kế hoạch sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là một số mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tái cơ cấu ngành. Đẩy mạnh việc thoái vốn cổ phần hóa, khắc phục tình trạng tỷ lệ vốn hóa trong cổ phần hóa đạt mức thấp. Các dự án liên quan đến hạ tầng cần triển khai mạnh mẽ, kịp thời hơn. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Đông Xuân, bảo đảm thành công.
Chỉ đạo tốt hơn nữa du lịch, dịch vụ để trong năm nay số lượng du khách tăng lên.
Chuẩn bị tốt việc tổ chức 4 hội nghị trong tháng này và các tháng tới, gồm: Hội nghị về nuôi tôm xuất khẩu bằng công nghệ cao, hội nghị phát triển dược liệu - một thế mạnh của Việt Nam, hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 2 và hội nghị sơ kết về Luật Hợp tác xã.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phải được quán triệt, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Ngay đầu năm, phải triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 một cách chủ động nhất, kịp thời nhất, để tạo chuyển biến rõ nét ngay trong quý I này.
Trong chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng lưu ý 2 việc là theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và biến đổi khí hậu, để có giải pháp, phản ứng chính sách kịp thời, không để bất ngờ xảy ra.