Vì sao thí sinh không còn mặn mà với đại học?

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Học đại học (ĐH) để ra trường có tấm bằng hay học nghề để ra trường có việc làm ngay, lương cao luôn là băn khoăn của nhiều phụ huynh (PH), học sinh (HS). Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, có trên 279.001 thí sinh (TS) dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, phải chăng đây là tín hiệu vui cho các trường nghề?.

Bỏ ngang đại học

Tâm lý chung của PH, HS là chọn nghề hay ĐH đã không còn nặng nề trong tư tưởng vì học gì thì ra trường cũng đi làm, kiếm tiền, làm những việc có ích cho xã hội và đặc biệt ổn định cuộc sống. Với quan điểm này, em Nguyễn Trung Dũng (ngõ 40, Chính Kinh, Nguyễn Trãi) cho biết, em được 20 điểm khối A trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và trước đó gia đình định hướng vào ĐH Bách khoa nhưng vì không mặn mà với ĐH, lại muốn tự quyết định tương lai nên em chọn học ngành Công nghệ điện lạnh - nhiệt lạnh tại Cao đẳng (CĐ) Công nghiệp và thương mại Hà Nội.
Theo Dũng, học ĐH nặng về lý thuyết còn học nghề sẽ thiên về đào tạo thợ, thực hành nên khá hứng thú.Trước tình trạng thất nghiệp ngày càng lớn, điều đó như cảnh tỉnh Dũng chọn học nghề để thực hiện mơ ước mở cửa hàng sửa chữa, buôn bán hàng điện tử.
 Giờ học thực hành Trung cấp nghề Điện tử công nghiệp. Ảnh: Website của trườn

Nhìn từ thực trạng các anh, chị ở quê, dù tốt nghiệp bằng giỏi ra trường nhưng vẫn không có công việc ổn định nên Nguyễn Thị Trinh (năm thứ 2, khoa Bảo tàng, Đại học Văn hóa Hà Nội) chọn ngã rẽ về quê Hà Nam học hỏi và mở trang trại chăn nuôi gà công nghiệp..
Từ thực tế, Trinh không muốn đi vào vết xe đổ của các anh/chị đi trước là học ĐH nhưng vẫn thất nghiệp nên không ngại khi bỏ ĐH. Trinh cho biết, phần lớn quyết định thôi học là khi kết thúc học kỳ 1 năm thứ 2, nhiều anh chị khóa trên nói cơ hội việc làm của ngành Bảo tàng hạn chế, nên em quyết định bỏ dở ngành học và về quê lập nghiệp.
Đối với nhiều HS, học ĐH chỉ mang danh nhưng càng phải tính toán hơn đối với những gia đình không có điều kiện và học nghề luôn là lựa chọn sau kỳ thi tốt nghiệp.
Học nghề rút ngắn thời gian, đỡ tốn kém với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, ra trường lại dễ xin việc nên Phạm Linh An (xã Trường Thịnh, Ứng Hòa) đặt nguyện vọng vào lớp nấu ăn của trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội. “Em biết bản thân nên học ngành nghề gì phù hợp với năng lực, đam mê chứ không chạy theo xu hướng phải học ĐH mới thành công. Em không muốn học ĐH để rồi ra trường thất nghiệp hay làm nghề không phát huy được thế mạnh của bản thân” – An nói.

Từ thực tế không nhất thiết phải học ĐH cho thấy, các bạn trẻ đã biết tự quyết định tương lai; tự lập thân, lập nghiệp để chọn những nghề cảm thấy phù hợp. Chuyện không đặt nặng học ĐH hay học nghề của nhiều HS đã nói lên rằng “ĐH không phải là con đường duy nhất” vì tuổi trẻ cần sự trải nghiệm, cố gắng cùng sự thành thạo trong nghề mới thành công.
Học nghề là lựa chọn không tồi
Theo TS Trương Anh Dũng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, phát triển giáo dục kết hợp với đào tạo nghề để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.
Trước nhu cầu nhân lực đào tào nghề của thị tường lao động ngày càng lớn, Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Bộ GD&ĐT cùng nhiều địa phương đang có cơ chế, chính sách hướng nghiệp tử mở để tăng gấp hai lần quy mô học CĐ, trung cấp (TC) trong thời gian tới, tạo cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho sinh viên khi ra trường.
Điểm mới trong tuyển sinh CĐ, TC năm nay là tạo thuận lợi cho HS trong 3 giai đoạn: Thứ nhất là giai đoạn tìm hiểu thông tin về nghề, về trường, mô tả làm gì, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, chi phí học tập; Thứ 2, nộp hồ sơ tuyển sinh đơn giản khi HS có thể nộp trực tuyến ; Thứ 3, tạo thuận lợi khi nhập học. Theo TS Trương Anh Dũng, năm 2018, có 85% sinh viên sau khi tốt nghiệp CĐ, TC có việc làm, ở 1 số nghề tỷ lệ này là 100%, lương khởi điểm bình quân từ 5-6 triệu, nhiều nghề từ 10-15 triệu.

Một lãnh đạo trường Cao đẳng nghề số 1 (Bộ Quốc phòng) khẳng định, nghề Hàn xì luôn là một trong những nghề có tỷ lệ việc làm cao nhất sau đào tạo nhưng nghề này vẫn chưa được sinh viên (SV) quan tâm nhiều. Các doanh nghiệp luôn tìm kiếm và có chế độ đãi ngộ tốt với lao động có tay nghề cao; có thể 1 triệu đồng/ngày hoặc thậm chí 1,5 - 2 triệu đồng/ngày là hết sức bình thường.
Vị lãnh đạo này nhận định, có rất nhiều người trẻ học ĐH ra không làm được việc gì nhưng cũng có nhiều người không học ĐH vẫn có thể thành công và học nghề là một lựa chọn không tồi. Thực tế mấy năm qua, không còn tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” khi nhiều HS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để lấy bằng và học nghề mà không đăng ký nguyện vọng vào ĐH.

Năm nay, trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội tuyển 1.200 chỉ tiêu vào 21 ngành đào tạo, trong đó ngành Công nghệ ô tô (chưa thống kê được con số cụ thể) có nhiều TS đăng ký nhất.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huy cho biết, hàng năm, 80% SV các ngành trong trường tốt nghiệp có việc làm, thậm chí có việc làm 100% với SV học nghề Cơ khí, Cắt gọt kim loại. Để đảm bảo việc làm cho SV, khi đang học, nhà trường đã liên hệ với hơn 200 doanh nghiệp để hỗ trợ SV học nghề nên trong thời gian thực tập đã có lương từ 6-9 triệu, thậm chí hơn 10 triệu. Khi kết nối, doanh nghiệp đã lựa chọn ra được SV có tay nghề để tuyển nên nhiều SV khi đi thực tập đã được ký hợp đồng. Thậm chí, 1 số công ty sẵn sàng hỗ trợ SV từ lúc nhập học đến ra trường với yêu cầu SV đó ra trường phải làm cho công ty của họ.