Không còn “vùng cấm”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm”… là tín hiệu tích cực được phát đi từ Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham những. rn

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)
Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết nửa nhiệm kỳ về công tác này, đồng thời đề ra giải pháp nhằm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa trong công cuộc chống “giặc nội xâm” đang ở giai đoạn quan trọng, quyết liệt.
“Từng bước, chắc chắn, hiệu quả”, đúng như tinh thần đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham những (PCTN) thực sự đã tạo được những bước chuyển lớn. Đấu tranh PCTN không còn là những vụ việc lẻ tẻ, đã trở thành một “cao trào” trong xã hội, thu hút sự vào cuộc của toàn dân, cả hệ thống chính trị, báo chí… Càng ngày, thể chế và những giải pháp, biện pháp PCTN càng được hoàn thiện. Các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, đặc biệt, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 9 người là Ủy viên T.Ư. Tiếp đến hàng loạt vụ việc lớn được phơi bày; các vụ "đại án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng" được đưa ra ánh sáng. Nhiều "quan tham hạng nặng" lần lượt hầu tòa và nhận mức án nghiêm khắc, có tính răn đe. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước ta.

Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, bất kể người đó là ai. Thực tiễn đã khiến tư duy xã hội thay đổi khi trước đây có quan niệm quan chức nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”, nay ngay cả nhiều người nghỉ hưu có vi phạm cũng bị đưa ra truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật của Đảng.

Song, như Tổng Bí thư đã nhận định, “cuộc chiến" này còn nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài, đầy khó khăn thử thách. Những ý kiến được đưa ra tại hội nghị cũng cho thấy, việc “chạy chức, chạy quyền” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỉ lệ thu hồi tài sản thấp; tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", còn nể nang né tránh, ngại va chạm trong PCTN vẫn còn nhiều.

Bởi thế, nhiều người kỳ vọng, những giải pháp đã được chỉ rõ tại hội nghị và với “đà, xu thế” đang có, cuộc đấu tranh PCTN sẽ thực sự làm quyết liệt và hiệu quả cao hơn, không có trở ngại, không sợ sức ép nào cả. “Xử phạt người trước, răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả vùng. Quán triệt và thực hiện phương châm: Phòng ngừa giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng”, như quan điểm đã được chỉ ra.

Từ quyết tâm của người đứng đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm đến cùng, bất kỳ ai có dấu hiệu tham nhũng đều cần phải thanh tra, xử lý theo pháp luật, không chỉ cá nhân đó mà cả những cá nhân, tổ chức liên quan thì mới xử lý tận gốc vụ việc, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy. “Bản án phải cứng rắn như lửa đỏ để cho người phạm tội sờ vào thấy sợ và những người khác không dám lăm le”.