Không công bằng!

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Ồn ào trong góc của những người đứng trên bục giảng và phụ huynh học sinh mấy hôm nay là đề xuất “giải cứu” giáo viên của vị Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng.

Đề xuất ấy thiện chí và thật giàu ân tình, nhưng xem ra thiếu thực tế và không công bằng, nếu không muốn nói là… không tưởng.
Có lẽ cái cách sống “nhường cơm sẻ áo” của người Việt vẫn vẹn nguyên ở đây, thiện chí dành cho hành trình đổi mới giáo dục của nước nhà cũng hiển hiện khi TS Lê Trường Tùng khẳng định: “Nhà nước không đủ sức giải quyết, còn để giáo viên tiếp tục tự bươn chải thì chắc phải "quên" việc đổi mới giáo dục đi!”. Không ai phủ nhận việc đầu tiên cần làm trong đổi mới giáo dục là đảm bảo đời sống cho giáo viên. Thế nhưng nếu đảm bảo đời sống cho “khâu cốt yếu” của quá trình đổi mới giáo dục ấy bằng cách yêu cầu phụ huynh đóng góp 100.000 đồng/tháng thì rất… không ổn.
 Ảnh minh họa
Không ổn vì nhiều lẽ! Thứ nhất là khi tập trung cho giáo viên tiểu học khối công lập – đồng ý là cấp có số lượng giáo viên đông nhất, nhưng chưa chắc đã là lực lượng giáo viên thu nhập “hẻo” nhất trong ngành giáo dục. Không ít người đã đặt bút tính sơ bộ, thu nhập tối thiểu của một giáo viên tiểu học ở các đô thị lớn không bao giờ dưới 15 triệu đồng/tháng, như vậy có cần được “giải cứu” về đời sống? Khó khăn là những giáo viên nơi vùng nghèo, vùng sâu xa – nơi mà người dân lo đủ miệng ăn và cho con tới trường đã khó chứ chưa nói tới việc… góp quỹ nuôi thầy cô giáo. Ở những nơi đó, mức tăng học phí công lập chỉ 4.000 đồng/học sinh/tháng, mà nhiều gia đình đã phải lo lắng không yên, thì thử hỏi con số 100.000 đồng/tháng kia có phải là một gánh nặng? Nhìn thẳng vào thực tế trường lớp, học hành hiện tại đã thấy phụ huynh cõng trên vai không ít chi phí học hành, vậy nên không thể tiếp tục đổ thêm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh.
Hơn thế, đối diện với đề xuất này của Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, rất nhiều người đang đứng trên bục giảng cảm thấy mất lòng. Giáo viên có cái đạo, cái trọng của người thầy, nên không dễ gì ngửa tay nhận sự “cứu đói” của người đời. Nhất là khi người đứng ra cứu tế mình lại là phụ huynh, là học sinh – những đứa trẻ được họ coi như con để dạy khôn lớn, trưởng thành. Thế nên đã có nhà giáo thẳng thắn: “Giáo viên mong mỏi được trả đúng công sức lao động, nhưng giáo viên không phải ăn mày, cũng không phải đối tượng cần cứu đói! Đây là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội, chứ không phải đi đổ đầu học sinh…”, rồi “Việc cải cách tiền lương giáo viên đúng ra đã phải làm lâu rồi, chứ không phải bây giờ. Nhưng dùng tiền của học sinh thì gián tiếp hạ thấp tư cách nhà giáo, xúc phạm niềm tin và tự trọng trong họ!”. Họ nói không hề sai!
Chưa cần đứng ở bình diện của các chuyên gia, thì đã có thể nhận ra cách “giải cứu” đời sống giáo viên này không phải là giải pháp bền vững. Về lâu dài, có lẽ cần điều tiết chính sách và ngân sách. Đây đích xác là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, khi đã xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đúng là cả xã hội cần chung tay trong quá trình đổi mới giáo dục, đúng là truyền thống “nhường cơm sẻ áo” vẫn mãi lung linh, đúng là cần tính trước tiên đến bài toán đời sống giáo viên, nhưng hoàn toàn không thể dùng biện pháp “cứu đói” thiếu thực tế, thiếu công bằng và như làm giảm giá trị của người làm nghề giáo!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần