Không công bố đề thi, đáp án thi THPT quốc gia

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc công bố đề thi và đáp án sau thi THPT quốc gia làm nảy sinh nguy cơ dễ dàng phán đoán được độ bao phủ của đề thi.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Trước những băn khoăn của học sinh về việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi, đáp án kỳ thi THPT quốc gia, tối 12/1, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc công bố đề thi và đáp án sau thi THPT quốc gia làm nảy sinh nguy cơ dễ dàng phán đoán được độ bao phủ của đề thi. Việc này sẽ dẫn tới việc học tủ, học lệch, gia tăng việc luyện thi tràn lan cho HS...
Theo ông Sái Công Hồng, những năm trước, theo quy trình, từ một đề thi, Bộ GD&ĐT có thể tạo ra 6 mã đề thi, thậm chí 24 mã đề thi khác nhau để mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi khác nhau (chứ không phải đề thi khác nhau). Việc công bố đề thi và đáp án trong trường hợp này hoàn toàn không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi tổ chức thi trắc nghiệm khách quan với ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa thì mọi việc sẽ khác.
Trong khi đó, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng biệt đã được chuẩn hóa. Như vậy, mỗi phòng thi có 24 thí sinh thì có 24 đề thi khác nhau. Tuy đề thi trắc nghiệm cho phép đánh giá kiến thức, kỹ năng, năng lực trên diện rộng hơn so với đề thi tự luận nhưng không có nghĩa là phủ kín nội dung mà học sinh phổ thông được học. Nhất là các năm tiếp theo khi Bộ GD&ĐT quy định nội dung đề thi THPT quốc gia sẽ bao phủ ở cả chương trình học THPT các lớp 10, 11, 12 thì bắt buộc việc ra câu hỏi thi phải chọn lọc kiến thức trọng tâm. Mỗi một nội dung trọng tâm đó sẽ có nhiều câu hỏi khác nhau, mức độ khác nhau theo ma trận đề và bản đặc tả đề thi đã thống nhất.
Bởi thế nếu đề thi được công bố, những cơ sở luyện thi sẽ phán đoán điểm rơi trọng tâm của câu hỏi thi để luyện tủ. Việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy học và tính công bằng, khách quan của kỳ thi.