Không dễ bán tài sản thi hành án

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động bán đấu giá tài sản trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều vụ việc bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không thành hoặc bán đấu giá thành nhưng không giao được tài sản, kéo dài thời gian THA, bởi người dân còn e ngại khi mua tài sản THA.

 Ảnh minh họa
Còn tâm lý e ngại

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, công tác THADS, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được lãnh đạo các cấp, ngành liên quan rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Việc phối hợp với các ngành trong hoạt động THADS được triển khai hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, còn tình trạng vi phạm, sai sót của chấp hành viên, công chức THA trong thực hiện trình tự, thủ tục THA.
Từ ngày 1/10/2018 đến hết tháng 5/2019, tổng số phải THADS 758.323 việc (tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là 558.468 việc; đã thi hành xong 336.404 việc. Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 231.401 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành hơn 149.246 tỷ đồng; đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng cục THADS, hệ thống THADS phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Trong đó, còn tâm lý e ngại của người dân khi mua tài sản kê biên, bán đấu giá dẫn đến nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được, thời gian THA bị kéo dài. Mặt khác, nhiều vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản do có tranh chấp về tài sản bán đấu giá, khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá...

Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Xuân Hồng cho hay, việc bán đấu giá tài sản phải đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc đã bán đấu giá tài sản nhưng chưa tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hoặc trường hợp người được THA nhận tài sản để trừ vào tiền THA, cần lập kế hoạch cụ thể, chi tiết, rõ thời gian thực hiện để tổ chức giao tài sản dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản THA, các ý kiến cho rằng, cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về THA cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản. Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức và phong phú về nội dung trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS, bán đấu giá tài sản nói riêng để người dân nâng cao nhận thức pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định và yên tâm khi mua tài sản dạng này.

Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức trách nhiệm và năng lực của chấp hành viên, đảm bảo quá trình tổ chức THA phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, hạn chế tối đa việc khiếu nại, tố cáo về trình tự thủ tục THA. Các cơ quan THADS cần xử lý nghiêm các chấp hành viên có hành vi vi phạm trong tổ chức THA nói chung và hoạt động bán đấu giá nói riêng. Xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp, tiến hành thẩm định giá chính xác, sát với giá trị thực của tài sản để tránh trường hợp cơ quan THADS phải giảm giá nhiều lần mới có người đăng ký mua tài sản. Đối với các tài sản là bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm hoặc các tài sản khác khi chuyển nhượng phải nộp thuế thì cơ quan THADS phải làm việc với các cơ quan hữu quan và công khai các nội dung đó để người mua có nhu cầu đăng ký mua tài sản đấu giá biết, cân nhắc khi tham gia mua tài sản. Đồng thời, phải làm rõ tình trạng pháp lý khi thực hiện việc đăng ký tài sản, tạo tâm lý yên tâm cho người mua tài sản THA.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần