Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến rất phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch SXH.

Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng liên tục đi kiểm tra tình hình dịch bệnh ở các điểm nóng trên địa bàn.
12 điểm nóng về dịch bệnh
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tính đến nay, tổng số bệnh nhân mắc SXH ở Hà Nội đã lên đến 2.481 người, chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong. 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc, trong đó 12 đơn vị có số mắc cao nhất, chiếm 82% tổng số bệnh nhân toàn TP gồm: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Oai, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Ba Đình, Thanh Xuân.
Mặc dù Hà Nội đã tổ chức 111 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại 13 quận, huyện với 144.871 hộ gia đình, 195 công trường xây dựng, 1.115 đơn vị trường học, khu công cộng… nhưng dịch bệnh chưa có dấu hiệu chững lại.
 Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Ngọc Tú
Nhận định bệnh SXH tại Hà Nội năm nay diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng cao so với cùng kỳ các năm, ông Hạnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Thứ 2 là do ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng bệnh chưa cao. Qua các đợt kiểm tra tại các địa phương, nhiều hộ gia đình vẫn tồn tại nhiều vật dụng chứa nước đọng, nhiều ổ bọ gậy trong các khu dân cư…
Ông Hạnh đề nghị các quận, huyện vào cuộc quyết liệt hơn và làm hết trách nhiệm của mình, thường xuyên tổ chức liên ngành đi kiểm tra các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ.
“Đây là khoảng thời gian số lượng lớn học sinh, sinh viên tập trung học tại các trường, nên phải tăng cường công tác tập huấn phòng chống SXH trong các trường học cho giáo viên; cho cán bộ khám chữa bệnh để phát hiện và báo cáo sớm ca bệnh” - ông Hạnh nói.
Để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn, ông Hạnh đề nghị đưa nghị quyết chuyên đề về phòng chống dịch SXH đến tất cả các chi bộ, đặc biệt là chi bộ nơi địa bàn có ổ dịch SXH, yêu cầu cán bộ y tế phải họp cùng. Phối hợp với Đảng ủy khối trường đại học, cao đẳng để tăng cường phòng chống SXH trong nhà trường cho đối tượng sinh viên.
Chặn nguồn lây nhiễm
Từ đầu tuần đến nay, lãnh đạo Sở Y tế liên tục tục đi kiểm tra công tác phòng chống SXH tại nhiều điểm nóng trên địa bàn. Tại phường Mễ Trì đã ghi nhận 84 ca SXH, trong đó có 15 bệnh nhân đang điều trị. Các ca bệnh mắc tập trung tại các tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 6 Mễ Trì Thượng. Hiện Mễ Trì có số mắc cao nhất và đang là điểm nóng về dịch SXH tại quận Nam Từ Liêm.
Đại diện phường Mễ Trì cho biết, trên địa bàn phường có 170 công trình đang xây dựng, đây được coi là những khu vực có nguy cơ cao bùng phát và lây truyền bệnh SXH. Phường đã tổ chức 2 chuyên đề diệt bọ gậy tại các công trình xây dựng, có 97 công trình xây dựng có bọ gậy đã được xử lý triệt để, khu vực trũng nước đã được san lấp, bể nước được đậy nắp kín. Phường cũng tổ chức ký cam kết phòng chống dịch bệnh với hơn 5.000 hộ gia đình trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Vững - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, công tác phòng chống dịch vẫn còn gặp một số khó khăn. Ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch tại các gia đình còn chưa tốt, đặc biệt tại các tổ trọng điểm bùng phát dịch.
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng dự án cũng như công trình dân cư đang là nguy cơ bùng phát dịch. Mật độ dân số quá cao nên việc kiểm soát nguồn lây nhiễm SXH cũng gặp nhiều khó khăn.
Làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, hiện địa phương này là một trong số các quận có tỷ lệ mắc SXH cao của TP, điểm nóng là ở phường Mễ Trì. Để công tác phòng chống SXH thực sự hiệu quả, ông Hạnh đề nghị quận có chiến lược cụ thể, quyết liệt triển khai các biện pháp, không chỉ tập trung tại phường Mễ Trì mà triển khai sang các phường khác khi có bệnh nhân mắc SXH mới.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất triệt để tại các ổ dịch và những nơi có nguy cơ cao, riêng các nhà trường cần tổ chức phun mù nóng để đạt hiệu quả cao.
Còn tại quận Hai Bà Trưng đã ghi nhận 10 ổ dịch với 62 trường hợp mắc SXH. Trong tháng 8, trung tâm y tế quận phối hợp với UBND 12 phường trọng điểm tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt II. 20/20 phường duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường thường xuyên vào ngày thứ Bảy hàng tuần.
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát các quận, huyện, xã, phường có nhiều bệnh nhân, ổ dịch kéo dài. “Nhưng quan trọng nhất là địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc từ quận xuống đến phường, đến tổ dân phố về công tác phòng chống dịch bệnh SXH, không để dịch bệnh bùng phát” - ông Hạnh nhấn mạnh.