Không để gia cầm nhập lậu lọt vào nội địa

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới.

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh thành, đặc biệt là những tỉnh phía Nam giáp biên giới Việt Nam. Đây là một nguy cơ rất lớn nếu Việt Nam không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín.     Ảnh: Quang Thiện

Theo Bộ NN&PTNT, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã lấy hơn 200.000 mẫu giám sát cúm gia cầm và chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã giám sát chặt chẽ và chưa phát hiện cúm A/H5N9 trên người. Mặc dù vậy, các hoạt động buôn bán bất hợp pháp gia cầm vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt nên nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang cho biết, trước diễn biến dịch cúm gia cầm A/H7N9 lây lan nhanh tại Trung Quốc, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường lực lượng kiểm soát việc buôn lậu gia cầm 24/24 giờ, đặc biệt là các đường mòn, lối mở. Tại các cửa khẩu, tỉnh đã tăng cường các trang thiết bị để kiểm tra khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong nội địa, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm chăn nuôi, các chợ buôn bán gia cầm và phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng… nhằm ngăn chặn hiệu quả virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới. Nhờ đó, đến thời điểm này, đàn gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới cần xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện một cách quyết liệt để ngăn chặn virus cúm A/H7N9 cũng như các chủng virus khác xâm nhập vào Việt Nam. Các địa phương có đường biên giới cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, không để gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu lọt vào nội địa. Ông Tám cũng đề nghị các địa phương thành lập đoàn công tác, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Đặc biệt, chú trọng công tác phòng bệnh trên đàn gia cầm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và lấy mẫu giám sát gia cầm đang bán tại các chợ, điểm thu gom, địa bàn có nguy cơ cao để kịp thời chẩn đoán, xét nghiệm nhằm phát hiện kịp thời virus xâm nhập.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tại hội nghị, số gia cầm nhập lậu bất hợp pháp bị bắt giữ từ năm 2016 đến tháng 2/2017 là khoảng 2.400 con và hơn 212.000 quả trứng. Đặc biệt, tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), từ đầu năm 2017 tới nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển gia cầm trái phép vào Việt Nam. Trước tình hình này, Cục Thú y đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm.

Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều trị và củng cố hệ thống phòng xét nghiệm để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời triển khai kiểm soát hơn 700.000 lượt du khách nhập cảnh tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam, lấy hơn 3.500 mẫu xét nghiệm của những người bệnh có biểu hiện bệnh về đường hô hấp…

Virus cúm A/H7N9 thay đổi độc lực

Chiều 26/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phát đi thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chủng virus cúm A/H7N9 thay đổi độc lực. Theo đó, WHO đã được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gen của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A/H7N9 tại Quảng Đông, Trung Quốc cho thấy, virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Theo WHO, sự liên tục thay đổi như là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp, do đó quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 làm lây truyền dễ dàng từ người sang người. (Hải Lý)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần