Không dễ hạ lãi suất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mục tiêu tín dụng có tăng mà lãi suất khó giảm thì khả năng hấp thụ vốn của DN cũng khó tăng trưởng mạnh.

Đây là lý do Thủ tướng Chính phủ lại một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất cho vay thêm 0,5% trong những tháng còn lại của năm 2017 nhằm thúc đẩy tín dụng tăng trưởng khoảng 21 - 22% cho cả năm 2017.
Lãi vay vẫn còn cao
Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá mạnh so với giai đoạn trước, song số khách hàng được tiếp cận lãi suất lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa nhiều. Phần lớn DN vẫn phải vay vốn với lãi suất 9 - 12%/năm, lãi vay tiêu dùng lên tới 20 - 30%/năm, khiến sức cạnh tranh của DN giảm sút.

Giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

TS Nguyễn Thạc Hoát - Trưởng khoa Tài chính - Tiền tệ (Học viện Chính sách và Phát triển) cho rằng, dù Chính phủ khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) rót vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, song đây chỉ là khuyến khích về định hướng, không phải là chỉ tiêu, nên dòng vốn tín dụng có được nắn vào sản xuất hay không hoàn toàn phụ thuộc các NHTM. Nếu tín dụng năm nay tăng 21 - 22%, việc “bơm” tín dụng phải đi kèm hạ lãi suất, để dòng vốn đến được với các ngành sản xuất.
Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản dồi dào, theo nhận xét của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, những tháng cuối năm 2017 vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cơ quan này khuyến cáo việc giảm lãi suất cần lưu ý kiểm soát lạm phát, vì trong thời gian tới, hàng loạt mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục... sẽ phải điều chỉnh tăng giá.
Ngân hàng hy sinh lợi nhuận?
Ở góc độ người trong cuộc, Tổng Giám đốc một ngân hàng cho biết, thanh khoản, xu hướng của lạm phát là một trong những điểm mấu chốt trong quyết định giảm lãi suất của lãnh đạo các ngân hàng. Vừa qua, NHNN đã sớm công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36 giãn lộ trình giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nới ra trong 2 năm (từng bước đến năm 2019). Nhưng, như vậy không có nghĩa áp lực chi phí đầu vào tại nhiều NHTM giảm bớt.
Bài toán chính là hệ số tỷ lệ thu nhập lãi cận biên - NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) đang khá thấp. Khoảng cách lãi suất huy động và cho vay hiện nay khá hẹp, chỉ cách khoảng 2%, trong năm 2016, hệ số NIM của ngân hàng đạt 2,8%.
Tại thời điểm này, lãi suất huy động đầu vào kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức trên 8%/năm, ở các kỳ hạn 6 - 9 tháng, một số NHTM đã áp mức cao từ 7 - 7,6%/năm, cao hơn cả mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện hành. Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tốc độ huy động vốn đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng cho vay, trong khi mặt bằng lãi suất đầu vào của các ngân hàng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán…).
Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, từ sau đợt NHNN yêu cầu giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%, trên thị trường có hàng loạt ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay, và để tiếp tục giảm thêm 0,5% nữa, các ngân hàng sẽ phải tính toán lại chi phí. SCB luôn hưởng ứng với các quyết định của NHNN. Tuy nhiên, ngân hàng cần có thời gian cân đối đầu vào để có thể giảm được đầu ra. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng thì cho rằng, nếu giảm lãi suất chắc chắn lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện, các NHTM phải dành một nguồn tiền lớn để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ, khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên. Do đó, nếu muốn giảm tiếp lãi suất cho vay, một trong những vấn đề quan trọng là phải xử lý được nợ xấu.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Để các ngân hàng giảm lãi suất 0,5% thì có lẽ NHNN cần đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Tuy nhiên, điều này cũng cần thận trọng vì có thể đẩy lạm phát tăng lên. NHNN có thể hoặc hạ lãi suất mua vốn trên thị trường mở (OMO) từ mức 5%/năm xuống còn 4,75%/năm
TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế