Không để học sinh đến trường bị rét

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày giá rét, các trường học ở Hà Nội từ mầm non đến THPT đều đã thực hiện các giải pháp chống rét, chống dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh (HS).

Học sinh trường Tiểu học Bình Minh A, huyện Thanh Oai học trong phòng kín, đủ ánh sáng trong những ngày giá rét. Ảnh: Oanh Trần
Bảo đảm cơ sở vật chất phòng, chống rét
Những ngày rét đậm, rét hại, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD&ĐT, trung tâm GDNN - GDTX và các trường học thực hiện đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho HS. Các trường kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng bán trú, phòng ăn... để tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho HS. Các trường mầm non cần có nước ấm để chăm sóc các cháu.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, cô Phan Vũ Lan Anh - Hiệu trưởng trường Mầm non Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung ngoài trời trong những ngày rét; đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, các lớp học được trải thảm xốp kín; chăn gối đảm bảo đủ ấm cho trẻ trong giờ ngủ trưa. Mỗi lớp học được trang bị đầy đủ nước nóng, bình nóng lạnh để trẻ sử dụng; cơm, thức ăn đảm bảo nóng sốt.

Cũng như trường mầm non, các trường tiểu học có HS độ tuổi còn nhỏ nên ban giám hiệu quán triệt đến từng giáo viên chống rét cho HS. Thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng trường TH Đội Bình (huyện Ứng Hòa) cho biết: Trường có 18 lớp học với 588 HS. Từ ngày giá rét, trường không tổ chức chào cờ ngoài sân và điều chỉnh lùi thời gian vào lớp học; đồng thời, thông báo với phụ huynh theo dõi thời tiết để giữ ấm cho con; ăn uống đúng bữa, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung loại thức ăn có tính nóng, tránh đồ nguội lạnh. Để phòng chống rét cho HS, Ban giám hiệu trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) đã gửi thông tin tư vấn chống rét đến giáo viên chủ nhiệm để chuyển đến cha mẹ HS, theo dõi thông tin thời tiết trên VTV1 lúc 6 giờ 20, nếu nhiệt độ từ 7 độ trở xuống thì nghỉ học. Ở trường, nếu HS thấy mệt thì báo ngay cho giáo viên gần nhất.

Điều chỉnh thời gian học linh hoạt

Các phòng GD&ĐT quận, huyện và trường học THCS, THPT khác cũng đều quán triệt quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện điều chỉnh linh hoạt thời gian vào lớp học, không bắt buộc HS phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét. Buổi chào cờ đầu tuần được thực hiện trong lớp học. Những HS đi học muộn vì trời rét đều được vào lớp học bình thường. Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết: So với đợt rét năm 2016, những ngày này trời lạnh khô, các trường ở quận Tây Hồ, phòng học có điều hòa hai chiều nên HS đủ ấm. Các trường học bán trú nấu ăn tại chỗ nên thức ăn không bị nguội, lạnh. “Có thể nhiệt độ giảm dưới 10 độ, chúng tôi vẫn cho HS đi học vì khoảng cách từ nhà đến trường ngắn, HS được mặc ấm; thức ăn nóng sốt đủ dinh dưỡng và đa số các phụ huynh phải đi làm” - ông Lê Hồng Vũ cho hay.

Thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, khi nhiệt độ giảm sâu, nhà trường đã lùi lịch học từ 7 giờ xuống 7 giờ 15, HS mặc đủ ấm phù hợp với môi trường học đường. Giáo viên hướng dẫn cho HS đảm bảo sức khỏe trong những ngày giá rét bằng việc ăn uống đủ lượng, đủ chất, nóng sốt; mặc ấm, ngủ ấm; tránh các hoạt động thể thao ngoài trời. Căng tin trong nhà trường nấu ăn đủ dinh dưỡng và nóng, có nước ấm phục vụ HS.

Những ngày giá lạnh, nhiệt độ ở khu vực ngoại thành TP giảm hơn nội thành vài độ, vì thế các phòng GD&ĐT Ba Vì, Mỹ Đức... rất sát sao phòng chống rét cho HS. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay: Các trường học đã điều chỉnh giờ học tùy theo từng cấp, từng trường và vùng. Giờ học của HS mầm non và tiểu học là 8 giờ, cấp THCS 7 giờ 45, các trường ở trung tâm huyện 7 giờ 30. HS đi học muộn đều được các trường tiếp nhận bình thường.