Không để khan hàng, sốt giá trong dịp Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2021, nhất là Tết Tân Sửu sắp đến, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Công Thương Hà Nội chiều 12/1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong năm 2020. Ảnh: Hoài Nam
Không thiếu hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự báo Tết Tân Sửu 2021 nhu cầu mua sắm của người dân tăng từ 3 - 20% đối với các mặt hàng gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau, củ, quả... Trong khi đó, khả năng sản xuất của DN Hà Nội chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2020. Được biết, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng tăng 25-30% so với Tết 2020. Theo Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm, hiện các đơn vị trực thuộc đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết là các sản phẩm mang thương hiệu Hapro và các đặc sản vùng miền của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đã khiến nguồn cung ứng thịt lợn giảm sút đáng kể, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, các DN bán lẻ đã tích cực dự trữ, nhập khẩu mặt hàng này qua đó góp phần ngăn chặn hiện tượng thịt lợn tăng giá đột biến. Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) Nguyễn Thái Dũng cho hay: Để đảm bảo cân bằng nguồn cung mặt hàng thịt, bên cạnh khai thác tại thị trường trong nước, DN đã chủ động nhập khẩu từ Mỹ một lượng khá lớn các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà, riêng tháng 12/2020, DN đã nhập khẩu 3 container thịt lợn. “Dự kiến trong thời gian tới, BRG Retail sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn qua đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Tân Sửu” - ông Dũng chia sẻ.

Tiếp tục phát triển bền vững

Năm 2021, ngành công thương đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9% (cao gấp hơn 1,8 lần năm 2020). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7 - 8% (gấp gần 3 lần năm 2020); Phấn đấu công nhận 25 - 28 sản phẩm là sản phẩm công nghiệp chủ lực… Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết: Thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.

Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, nhằm thúc đẩy thương mại phát triển nhất là thương mại điện tử, sở sẽ đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thiết lập, củng cố, phát triển, phân bổ hợp lý các kênh phân phối, mạng lưới các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn TP. “Năm 2021, ngành công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5% (cao gấp gần 2,8 lần năm 2020). Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, sở sẽ theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và chính sách ứng phó của các quốc gia, đặc biệt là các thị trường trọng yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, từ đó thông tin kịp thời đến DN và có biện pháp thích hợp trong việc tìm thị trường đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu” - bà Lan nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội đấy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại. Trong đó, đôn đốc các chủ đầu tư khởi công xây dựng các cụm công nghiệp đã được UBND TP thành lập trong 2 năm qua. Triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến công; thúc đấy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, điện tử; hỗ trợ DN nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu phát triển, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa. Đặc biệt cần quan tâm đến công tác bình ổn thị trường trong dịp Tết Tân Sửu.