Không để người dân hoang mang

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch cúm gia cầm A/H7N9 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc đang gây ra nhiều mối lo ngại về nguy cơ xâm nhiễm đối với Việt Nam, nhất là khi nạn buôn bán gia cầm nhập lậu vẫn chưa được ngăn chặn dứt điểm.

Quyết liệt, cấp bách phòng chống virus cúm A/H7N9 xâm nhập là cần thiết, song các bộ, ngành cũng như các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền rõ ràng để người dân không quá hoang mang mà quay lưng lại với sản phẩm gia cầm trong nước, vốn đang bị rớt giá thê thảm.

 Ảnh minh họa

Khoảng 2 tuần qua, ngành nông nghiệp và y tế như “ngồi trên đống lửa” khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tiếp phát đi thông tin cảnh báo về tình hình nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 trên người tại Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 100 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh, TP, trong đó có những địa phương giáp biên giới Việt Nam. Ngoài ra, còn một số chủng virus cúm gia cầm độc lực cao khác như A/H5N2, A/H5N8 cũng được phát hiện ở Trung Quốc và nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Không dừng lại ở đó, trong nước, dịch cúm gia cầm A/H5N1 và H5N6 sau một thời gian tạm lắng đã bùng phát trở lại tại 7 tỉnh, TP làm trên 12.000 con gia cầm bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Trước nguy cơ lây lan của dịch cúm gia cầm cả trong nước lẫn bên kia biên giới, Bộ NN&PTNT đã tức tốc chỉ đạo triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống và phát đi công điện khẩn đề nghị các địa phương vào cuộc. Ngoài cử các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại cơ sở, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) còn thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9. Tương tự, Bộ Y tế cũng đã họp khẩn và chỉ đạo triển khai kiểm soát hơn 700.000 lượt du khách nhập cảnh tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam để giám sát sự lưu hành cũng như nguy cơ lây nhiễm virus cúm A/H7N9 trên người.

Có thể nói, những biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là chủng virus cúm A/H7N9 được rốt ráo triển khai là rất cần thiết. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay mà các địa phương cần phải quan tâm thích đáng là tuyên truyền cho người dân, nhất là người chăn nuôi và người tiêu dùng hiểu rõ về tình hình dịch bệnh để có phản ứng phù hợp, không bị hoang mang. Đặc biệt là trong bối cảnh từ trước Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá sản phẩm gia cầm trong nước vẫn ở mức thấp và người chăn nuôi đang bị thua lỗ. Nếu người tiêu dùng vì lo sợ dịch cúm mà quay lưng với sản phẩm gia cầm thì chắc chắn, thiệt hại của ngành chăn nuôi còn lớn hơn rất nhiều khi cả nước có trên 360 triệu con gia cầm.

Một thông tin đáng mừng theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã lấy hơn 200.000 mẫu giám sát cúm gia cầm và chưa phát hiện virus cúm A/H7N9. Bởi vậy, việc bình tĩnh, tỉnh táo ứng phó với dịch cúm gia cầm hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng. Nói như TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), người tiêu dùng không nên quay lưng lại với các sản phẩm gia cầm. Bởi gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, được tiêm vaccine đúng quy trình, có giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn an toàn và được sử dụng bình thường.