Không để nông dân đơn độc

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dứa, vải thiều, rau củ quả… đang bước vào mùa thu hoạch ở nhiều địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng quán, bếp ăn trường học đóng cửa khiến cho người nông dân thấp thỏm, lo âu.

Để giúp người nông dân vơi bớt nỗi lo, nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương… đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan tìm hướng tháo gỡ, hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản.
Theo phản ánh của nhiều hợp tác xã rau an toàn trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 5 đến nay, khi các trường cho học sinh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động, lượng hàng hóa tiêu thụ qua các kênh giảm từ 30 – 50%. Đối với gia cầm, trứng gia cầm, không chỉ giá bán giảm 20 – 30% mà lượng tiêu thụ cũng rất chậm, người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Tương tự, tại tâm dịch Bắc Giang, hiện nay đã vào vụ thu hoạch một số nông sản chủ lực như dứa, vải thiều, dưa, rau màu, sản phẩm chăn nuôi... Qua báo cáo của các địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa ra ngoài địa bàn huyện, tỉnh.

Điều đáng lo ngại là từ khoảng đầu tháng 6 sẽ bước vào chính vụ thu hoạch nhiều trái cây như dứa, vải thiều tại Bắc Giang, Hải Dương, tạo áp lực không nhỏ về tiêu thụ nông sản trong bối cảnh việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã sớm lên kế hoạch, tính toán phương án hỗ trợ nông dân mở rộng đầu ra cho nông sản. Trong đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại, chợ thương mại điện tử…

Tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cũng chỉ đạo quyết liệt Sở Y tế phối hợp với các địa phương tạo điều kiện an toàn cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là khâu xét nghiệm, khử khuẩn, chứng nhận về sản phẩm, xe hàng, người vận chuyển... để nông sản đủ điều kiện lưu thông, tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng với trái vải – trái cây chủ lực với diện tích 28.000ha, sản lượng năm nay ước đạt 180.000 tấn, tỉnh Bắc Giang đã lên 3 kịch bản cụ thể cho tiêu thụ trái cây này, trong đó chú trọng tiêu thụ tại thị trường nội địa và khai thác thế mạnh của các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…

Cũng đặc biệt quan tâm tới kênh tiêu thụ qua chợ điện tử, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương và nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, tìm đầu ra cho trái vải. Thành quả ban đầu là hôm 14/5 vừa qua, sản phẩm vải thiều đặc sản Thanh Hà của Hải Dương đã chính thức lên sàn thương mại điện tử. Như nhận định của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Câu chuyện nông sản ùn ứ ngoài đồng ruộng, không tiêu thụ được đã từng xảy ra ở các đợt dịch Covid-19 trước. Rất nhiều cơ quan, đơn vị, cộng đồng đã chung tay vào cuộc giải cứu như su hào, bắp cải, cà chua, ổi Hải Dương; củ cải Mê Linh… Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương hiện nay, tình trạng nông sản được mùa rớt giá sẽ không còn lặp lại; người nông dân không còn rơi vào cảnh đứng ngồi không yên khi mùa vụ cận kề trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần