Không để tham nhũng phát sinh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tinh thần “không dừng, không nghỉ, không chùng xuống” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một lần nữa được khẳng định trước Quốc hội khi đánh giá về công tác này năm 2020.

Có thể khẳng định rằng, với đồng loạt các biện pháp từ ngăn ngừa, đến tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử… đã tiếp tục tạo những dấu ấn rõ nét trong đấu tranh triệt để với tham nhũng.
Như nhiều ý kiến nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay như một cuộc “tổng tiến công” với những “trận đánh” cụ thể, rõ ràng, khiến người dân chờ mong hàng ngày. Kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã mang lại niềm tin cho Nhân dân, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến kinh tế, tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử.
Công tác phòng, chống tham nhũng không hề chững lại hay chùng xuống. Minh chứng là, theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Số người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng cũng tăng 39 người so với năm trước, thậm chí 12 người bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, những kết quả ấy vẫn là chưa đủ. Theo đánh giá của Quốc hội, hiện, Chính phủ, các cơ quan tư pháp vẫn nợ một số nhiệm vụ đã được Quốc hội giao, trong đó có việc đánh giá, nhận diện tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Rồi cùng với “tham nhũng vặt”, tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi trong giải quyết công việc chưa được xử lý dứt điểm, một số lĩnh vực liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công… vẫn tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Chưa kể để những hành vi tham nhũng mới phát sinh, thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng như vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai…

“Chống” đã là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh nhưng “phòng” mới là cơ bản, lâu dài. Như quan điểm đã được các đại biểu chỉ ra, nhiều yêu cầu vẫn được đặt ra để tiếp tục làm tốt hơn. Từ việc tuyên truyền, đến kiểm soát, minh bạch tài sản, đặc biệt rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, kể cả các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật… Khắc phục được khâu yếu vẫn tồn tại nhiều năm là việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới...

Như các ý kiến đã chỉ ra, trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều quan trọng là phải kịp thời phát hiện, xử lý đúng người, đúng tội để răn đe; quan trọng nữa là xây dựng được cơ chế phòng ngừa và thu hồi được tối đa tài sản cho Nhà nước. Khi các giải pháp “xây” và “phòng” ấy được tiến hành đồng bộ, sẽ tiếp tục tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần kiên quyết không để tham nhũng phát sinh dù dưới hình thức nào.