Không để trượt dài mới xử lý cán bộ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện, kiểm tra; cần nhắc nhở cán bộ ngay từ những sai phạm nhỏ, không để "trượt dài rồi mới xử lý cán bộ". Đó là những lưu ý quan trọng về công tác cán bộ được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra trong cuộc làm việc với Quận ủy Hà Đông. “Lời nhắc” này có lẽ cũng là yêu cầu chung với tất cả các cấp của TP, chứ không riêng Hà Đông. Bởi ngay từ cấp cơ sở, việc ngăn ngừa những sai phạm khi manh nha, tránh tạo “vết xe đổ” cũng là việc rất quan trọng, mang lại niềm tin cho người dân.

Cán bộ Tư pháp UBND phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết TTHC cho công dân.
Nhìn từ thực tế có thể thấy, trong những năm qua, TP Hà Nội nói chung, cũng như các quận, huyện đã làm tốt công tác cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, hướng mạnh đến hoàn thiện các kỹ năng, cập nhật kiến thức và qua công việc cụ thể, qua luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn sâu sát, kịp thời để tháo gỡ những nút thắt, trì trệ cũng tạo hiệu quả tốt. Đặc biệt, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế… đã tạo những “bài học cảnh tỉnh” góp phần ngăn ngừa sai phạm. Nhìn vào con số cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tại Hà Nội đã thi hành kỷ luật trong 5 năm vừa qua có thể thấy, có trên 4.000 đảng viên và 59 tổ chức chức cơ sở Đảng đã bị kỷ luật, trong đó có đến 72 người bị cách chức, 361 người bị khai trừ Đảng.
Cũng từ những con số đó và qua phản ảnh của cử tri, người dân cho thấy, không ít những sai phạm tại cơ sở đã diễn ra, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng… Có nhiều nguyên nhân, nhưng phải thẳng thắn thấy rằng, có nguyên nhân từ việc nguyên tắc tập trung dân chủ có lúc, có nơi còn vi phạm; công tác quản lý, giám sát đảng viên có lúc còn chưa kịp thời. Cộng với đó là tình trạng nể nang, né tránh trong kiểm tra, giám sát nội bộ, dẫn đến không phát hiện hoặc bỏ qua sai phạm. Như tại quận Hà Đông, gần đây cũng đã có cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật bởi đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu sâu sát cơ sở… Cụ thể là, dẫn đến dự án CT6 (phường Kiến Hưng) xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được duyệt, vi phạm luật đất đai, luật xây dựng để lại hậu quả đến nay khó khắc phục, gây dư luận bức xúc trong Nhân dân.

Thực tế, ở một số nơi trên địa bàn TP, không ít những vi phạm của cán bộ cơ sở cũng từng được chỉ ra, bị xử lý, thậm chí có người còn vướng vòng lao lý bởi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Trong khi đó, đúng như Bí thư Thành ủy đã nói thêm khi trao đổi với lãnh đạo quận Hà Đông, "đồng chí nào biết sai phạm mà sửa chữa thì có ai thích kỷ luật đâu. Nhưng để các đồng chí biết rằng, đừng nghĩ các đồng chí làm mà dưới không biết gì, trên không biết gì”. Bởi thế, yêu cầu đặt ra trong việc tiếp tục quan tâm, đánh giá hiện trạng, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tư duy, tầm nhìn, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm luôn là đòi hỏi cấp thiết ngay từ cấp cơ sở, đặc biệt khi xây dựng chính quyền đô thị hiện nay.

Trong các giải pháp được đưa ra, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, sẽ kịp thời phát hiện, giải quyết sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm. Tuy nhiên, mỗi cán bộ cũng phải thấy được những vụ việc đã từng xảy ra chính là bài học nghiêm túc để cảnh tỉnh bản thân, tránh đi những sai phạm, tắc trách không đáng có.