Không ép hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, quy định liên quan đến hộ kinh doanh nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Vẫn còn những băn khoăn
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Dự Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh. Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh. Đảm bảo sự đa dạng hình thức, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Dự Luật quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).
Ý kiến khác nhau về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ngày 16/10, UBTV Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Dự Luật bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý. Trong đó, bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Tuy vậy, xuất phát từ nhu cầu thực tế, các thành viên UBTV Quốc hội vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến đề nghị không nên cấm, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Dưới quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khu vực kinh tế cá thể đóng góp tới gần 30% GDP của cả nước, do đó cần quy định rõ địa vị pháp lý cũng như các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển. Đồng thời, vừa đòi hỏi họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường. Cùng với đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...).
Đánh giá kỹ tác động
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Dự Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, nếu nghị định của Chính phủ đã điều chỉnh đầy đủ, không nhất thiết phải đưa vào luật; nếu bổ sung quy định vào Dự Luật thì cần đánh giá kỹ tác động vì chưa thấy yên tâm.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: "Ngoài vấn đề thuế phức tạp thì khả năng quản trị, quản lý tài chính, rồi thanh, kiểm tra cũng khiến hộ kinh doanh không thích thành DN". Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, không vội đưa vào Dự Luật, bởi hộ kinh doanh ít người, mô hình vừa phải và khai thác lợi thế gia đình để kinh doanh nhỏ lẻ. Giờ đưa vào Dự Luật phải thực hiện đầy đủ báo cáo, kê khai hàng tháng thì họ không mong muốn. Hàng triệu hộ tồn tại và phát triển thế nào thì phải đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, quản lý hộ kinh doanh có nhiều cách, không phải đưa vào Dự Luật này để quản lý thuế chặt chẽ hơn. Quan trọng là khoán thuế có sát hay không, bởi có khi một người bán phở có doanh thu hơn một DN khởi nghiệp. Do đó, nên có cách quản lý “mềm” hơn để khuyến kích sản xuất kinh doanh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, liệu đưa hộ kinh doanh vào Dự Luật có giải quyết được mong muốn tạo điều kiện cho hộ kinh doanh hay lại sẽ gây khó khăn, cản trở? Nên theo hướng sửa Nghị định của Chính phủ, bổ sung các quy định khuyến khích, ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật để hộ kinh doanh phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, đây là vấn đề lớn vì liên quan đến hàng triệu hộ kinh doanh nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ. "Quan điểm chung của Quốc hội là những nội dung nào đã rõ, đã chín, đánh giá tác động được thì bổ sung, nếu không thì chỉ sửa đổi những bất cập để tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển DN" - Chủ tịch Quốc hội nói.