Không ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép: Bảo đảm công bằng, an toàn cho người tố cáo

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội mới được ban hành, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho rằng, nội quy “ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân” là cần thiết, đảm bảo tính công bằng, an toàn cho các công dân, những trường hợp đến Trụ sở Tiếp công dân để tố cáo.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam, đây chỉ là “nội quy” được công khai tại địa điểm tiếp công dân và chỉ giới hạn trong không gian, phạm vi Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội, không áp dụng rộng rãi. Chính vì thế, nó không chứa đựng nội hàm “cấm” với tính chất của một quy phạm pháp luật. Nội quy của Trụ sở Tiếp công dân cũng như nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án… Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 18 Luật Tiếp công dân 2013, Chủ tịch UBND TP ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP là không sai và không vi hiến. Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân; đó là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình: Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân và bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân…
Nội quy được UBND TP Hà Nội đưa ra nhằm tạo sự nghiêm túc, chuyên nghiệp trong buổi tiếp công dân. Ảnh: Thái San
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam cho hay, Trụ sở Tiếp công dân TP thường xuyên có nhiều công dân đến làm việc, trong đó có cả những trường hợp đến để tố cáo. Nếu ghi âm, ghi hình một cách tùy tiện, sẽ vi phạm Luật Tố cáo và ảnh hưởng đến người tố cáo, nội dung tố cáo, khó có thể bảo đảm sự an toàn, bí mật cho người tố cáo. Do đó, việc ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân nhằm đảm bảo tính công bằng, an toàn cho công dân khi đến làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân TP.

Bên cạnh đó, nội quy tiếp dân đưa ra còn nhằm đảm bảo quyền hình ảnh của cán bộ tiếp dân và cả những công dân khác khi đến làm việc. Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Điều 11 Luật Tố cáo 2018 quy định quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo. Cụ thể, người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ: Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo; áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo... Do đó, việc “ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân” là không trái pháp luật và cần thiết.

“Việc ghi âm, ghi hình tại Trụ sở Tiếp công dân nếu đảm bảo đủ yếu tố theo đúng quy định pháp luật mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những công dân khác khi đến làm việc, không có lý do gì cán bộ tại phòng tiếp dân lại không đồng ý. Tuy nhiên, tại Trụ sở Tiếp công dân TP đã trang bị đầy đủ hệ thống camera, nếu công dân có yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ trích xuất từ hệ thống, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, nguyên tắc tại Trụ sở Tiếp công dân” – bà Nam chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần