Không ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép: Nhiều địa phương, bộ, ngành đã thực hiện

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi UBND TP Hà Nội đưa ra quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” khi đến Trụ sở Tiếp công dân TP làm việc, nhiều địa phương, bộ, ngành đã áp dụng, thực hiện quy định này.

 Một buổi tiếp công dân tại trụ sở UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San
Mới đây, ngày 3/1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP. Nội quy quy định rõ, đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân TP làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Tuy nhiên, Hà Nội hoàn toàn không phải là đơn vị đầu tiên áp dụng, thực hiện quy định này. Trước đó, một số tỉnh, TP, bộ, ngành đã ban hành nội quy tiếp công dân, trong đó yêu cầu không cho phép ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp công dân, tôi cho rằng, công dân ghi âm, ghi hình để lưu trữ thông tin nếu không vì mục đích cực đoan thì cán bộ không nên ngại và thực tế Hà Nội cũng không cấm. Điều quan trọng nhất là cán bộ tiếp dân phải có bản lĩnh, có thái độ giao tiếp chân tình với người dân. Mục đích của công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân là ý kiến phản ánh của mình được tiếp thu và giải quyết triệt để chứ không phải vì mục đích ghi âm, ghi hình.

Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp
Theo nội quy tiếp công dân của UBND TP Hồ Chí Minh, công dân không tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, treo băng rôn, biểu ngữ khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền. Tại TP Hải Phòng, nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân quy định: “Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở Tiếp công dân không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”. Nội quy tiếp công dân của UBND tỉnh Thái Bình ban hành ngày 9/2/2015 yêu cầu: “Không mang theo vũ khí, chất dễ cháy, nổ, chất độc hại và các phương tiện nguy hiểm khác, các loại cờ, băng biển, khẩu hiệu, máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình; không sử dụng điện thoại trong phòng tiếp. Không tự ý vào các phòng làm việc”. Nội quy tiếp công dân của UBND tỉnh Hà Nam ban hành ngày 20/12/2016 nhấn mạnh: “Không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm trừ những người đang thực hiện nhiệm vụ”…

Tại Bộ Xây dựng, trong nội quy, quy chế tiếp công dân nêu những trường hợp nghiêm cấm: “Tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”. Trong khi đó, ngày 11/8/2015, Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 2276/QĐ-TTCP ban hành nội quy Trụ sở Tiếp công dân T.Ư: “Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân T.Ư, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân”. Theo Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp, hiện có khoảng 25 tỉnh, TP có những quy định tương tự Hà Nội. Điều 12 Luật Tiếp công dân có quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh” và căn cứ vào điều luật đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Do đó, việc ban hành quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là không sai.

Mới đây, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã làm việc với đại diện Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội để làm rõ tính hợp pháp của quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” trong nội quy tiếp công dân của UBND TP Hà Nội. Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho hay, đơn vị sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng các quy định pháp luật liên quan, các ý kiến của các chuyên gia, trình văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để xin ý kiến chỉ đạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần