Không ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép: Tạo sự nghiêm túc

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh nội quy “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội làm việc, đại diện Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cho biết, nội quy này được UBND TP đưa ra nhằm tạo sự nghiêm túc, chuyên nghiệp trong buổi tiếp công dân.

Một buổi tiếp công dân tại trụ sở UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San
Ban hành đúng quy định
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP. Quyết định nêu trên được căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và đề nghị của Trưởng ban Tiếp công dân TP, có hiệu lực từ ngày 3/1.

Nội quy kèm theo Quyết định số 12 cho biết, cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân số 34 phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và số 20 Hoàng Diệu (Hà Đông) có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội… Nội quy cũng quy định rõ, đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân TP làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Khi quay phim, chụp ảnh, không ít cán bộ tiếp công dân cảm thấy bị phân tâm, khó làm việc. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Tiếp công dân TP Hà Nội giải thích, đây là nội quy được thực hiện tại Trụ sở Tiếp công dân TP mang tính nội bộ, hiệu lực trong Trụ sở Tiếp công dân TP. Nội quy này được UBND TP ban hành dựa trên quy định tại Điều 12 Luật Tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh; không ảnh hưởng đến quyền của công dân khi công dân thực hiện quyền về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của luật. Nội quy không ảnh hưởng đến 6 quyền của công dân tại Điều 7 Luật Tiếp công dân và phù hợp với khoản 2 Điều 7 quy định về nghĩa vụ của công dân. Bên cạnh đó, nội quy nhằm tạo sự nghiêm túc, chặt chẽ, chuyên nghiệp trong buổi tiếp công dân, hạn chế những trường hợp công dân đến Trụ sở Tiếp công dân không vì mục đích để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà vì những mục đích khác, như lợi dụng để chụp ảnh, quay phim, phát tán, nói xấu...

Tại Trụ sở Tiếp công dân TP có camera ghi hình, phục vụ đảm bảo an ninh trật tự và giám sát người tiếp công dân, có bố trí hộp thư nhận phản ánh của công dân sau buổi tiếp. Lãnh đạo Ban Tiếp công dân TP cũng thường xuyên kiểm tra việc thực thi công vụ của người tiếp công dân. “Sau mỗi buổi tiếp công dân, chúng tôi đều có phiếu nhận đơn gửi công dân, hoặc biên bản cuộc làm việc. Trong quá trình thực hiện, các công dân đều thực hiện nghiêm túc. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người tiếp công dân có thể quyết định việc đồng ý ghi hình, ghi âm” - đại diện Ban Tiếp công dân TP chia sẻ.

Đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền

Trả lời báo chí, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở. Quy chế này đã có từ lâu, nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền. Các cơ quan chức năng, chính quyền đều mong muốn người dân giám sát, xem cán bộ tiếp dân thế nào và nếu người dân giám sát được thì rất tốt. Nhưng có những công dân tới trụ sở tiếp dân ghi hình, phát trực tiếp trên mạng xã hội rồi có những lời lẽ, bình luận không đúng mực, lăng mạ cán bộ tiếp dân. Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành nội quy là theo đúng thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan.

Luật sư Dương Xuân Huề (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Hà Nội) cho hay, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, UBND TP Hà Nội hoàn toàn có thẩm quyền ban hành nội quy, quy định hướng dẫn công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để đảm bảo an ninh, trật tự chung của xã hội (trường hợp này là an ninh, trật tự của cơ quan tiếp công dân).
Bên thềm Hội nghị ngành TN&MT sáng 8/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” nhằm tránh tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác. Hiện nay, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của T.Ư đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Công dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, bộ phận tiếp dân sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận. Trong trường hợp công dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong, hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai, minh bạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần