Không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng: Cần có lộ trình thực hiện

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dự thảo luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi, Bộ GD&ĐT quy định không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Việc này khiến dư luận xã hội không đồng tình khi chất lượng giáo dục ĐH chính quy và tại chức đang có khoảng cách.

Chênh lệch chính quy và tại chức
Không phân biệt hình thức đào tạo ghi trên văn bằng đang được nhiều nước thực hiện. Đơn cử như CHLB Đức từ lâu đã bỏ hình thức đào tạo Part-time Study và Full-time. Tuy hình thức, thời gian đào tạo khác nhau nhưng có cùng chương trình và khối lượng kiến thức nên người học được cấp một loại bằng duy nhất.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Bộ GD&ĐT cũng muốn cập nhật xu hướng này, nhưng theo nhiều chuyên gia, tình hình thực tế hiện nay chưa thể thực hiện. Chất lượng đầu vào đào tạo tại chức thấp hơn chính quy, thời lượng học lý thuyết và thực hành cũng ít hơn. Chưa kể có trường đào tạo tại chức diễn ra vào ngày cuối tuần, ở địa phương rất khó kiểm soát thi, kiểm tra; tình trạng đi học thuê, thi hộ vẫn còn. Vì thế, PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra quan điểm: “Nếu Việt Nam muốn không phân biệt bằng cấp thì bỏ hình thức đào tạo vừa làm vừa học. Còn, khi đã tổ chức vừa làm vừa học thì không thể không có sự khác biệt với đào tạo chính quy”.
Trước sự băn khoăn của mọi người về chất lượng của hệ tại chức nhưng lại không phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định: Đào tạo tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn về chương trình, giáo viên và đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Thế nhưng, PGS Kim Long phản biện: Các trường lại có đối sách, rất khó kiểm soát. Cho nên việc không phân biệt hình thức đào tạo cũng phải có lộ trình. Đồng quan điểm, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn Dương Văn Sao cho rằng, nếu bây giờ, Bộ GD&ĐT không phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng, người ta tìm cách học tại chức sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo. “Trong điều kiện hiện nay, trên văn bằng nên ghi: Bằng ĐH chính quy tập trung, Bằng ĐH vừa làm vừa học. Khoảng 10 -15 năm nữa, khi thị trường lao động phát triển thì không cần phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng” - ông Sao đề xuất.
Nên có lộ trình thực hiện
Khi nước ta đang hội nhập quốc tế, đề xuất không phân biệt hình thức đào tạo ghi trên văn bằng cho hợp xu thế của Bộ GD&ĐT cũng được nhiều người đồng tình về lý thuyết. Bởi, để chất lượng đào tạo tại chức ngang bằng với chính quy vẫn còn khoảng cách không nhỏ, rất cần các điều kiện đi kèm.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi phải hướng đến tầm nhìn mới. Vì thế không nên ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Tuy nhiên, ông Điền cho rằng chúng ta đang vướng ở điều kiện thực hiện để giá trị của hai văn bằng (chính quy, tại chức) giống nhau.
Thực tế, cách tổ chức và kiểm tra đánh giá của hình thức đào tạo của ĐH chính quy và vừa làm vừa học còn vênh nhau. Điều này thể hiện rõ ở việc, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện theo quy chế đào tạo, nhưng chương trình đào vừa làm vừa học về cơ bản gần như chính quy. Tuy nhiên, một số môn lý thuyết hoặc các thí nghiệm có tính chất chuyên sâu đã bị bỏ đi.
Vì vậy, PGS Phong Điền đề nghị Bộ GD&ĐT cần có lộ trình thực hiện việc không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Tất nhiên, về phía các trường, để đào tạo tại chức có chất lượng, cần phải kiểm soát chuẩn đầu vào giống như chính quy. Đặc biệt nhà trường thực hiện cùng một hệ thống đánh giá giữa hai hình thức đào tạo. “Để làm được điều này, các trường phải làm một loạt yêu cầu về hệ thống đảm bảo chất lượng (kiểm định chương trình, kiểm định trường). Đồng thời, chú trọng áp dụng đồng nhất hệ thống kiểm tra đánh giá. Khi đó, xã hội mới yên tâm về việc cấp cùng một loại văn bằng cho hai hình thức đào tạo khác nhau.
Phản biện về chất lượng đào tạo không chính quy thấp, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Không phải lỗi do người học mà cách đào tạo chưa đến nơi đến chốn. Trong khi Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi người tự học và học suốt đời, việc phân biệt hình hai hình thức đào tạo sẽ khiến người ta chỉ đi học chính quy.
Để cải thiện chất lượng đào tạo vừa làm vừa học, GS Dong đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ cho phép những đơn vị đủ năng lực tham gia. Các trường ĐH khi mở đào tạo không chính quy phải thực hiện thi, kiểm tra nghiêm túc và làm luận văn mới được tốt nghiệp. Bộ nên khuyến khích mọi người học trên mạng theo chương trình của các trường ĐH nước Pháp, Mỹ để có thêm nhiều cơ hội được học và hoà nhập thế giới.