Không gian văn hóa đi bộ Hồ Gươm: Dân dã và thân quen

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng hơn một năm, với hàng chục sự kiện văn hóa lớn nhỏ diễn ra mỗi tuần, phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã trở thành không gian để người dân đến trải nghiệm.

Nơi đây không chỉ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách mà còn là sân khấu cho nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí.
Cùng trình diễn
Hơn một năm trước, giới nghệ sĩ Hà Nội vẫn còn đầy lạ lẫm, xen lẫn háo hức khi nhận được lời gợi ý tham gia biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm. Hẳn lúc đó không ít nghệ sĩ chưa từng nghĩ mình sẽ xuất hiện và trình diễn tài nghệ ở ngay những nơi dân dã như vậy: Trong lòng đường, vỉa hè, góc vườn hoa, dưới gốc cây, hay sân hoặc một góc nào đó ngoài trời của một di tích nằm trong quần thể kiến trúc quanh Hồ Gươm.

Chương trình Carnival tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.  Ảnh: Văn Phúc

Nghệ sĩ từ ngỡ ngàng đến hưởng ứng nhanh chóng chỉ trong ngang tấc. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có tới vài nhóm nghệ sĩ tham gia biểu diễn, từ nhóm nhạc cổ điển đến nhạc đại chúng, nhưng ấn tượng nhất là sự xuất hiện của các thầy cô cùng học trò khoa Nhạc cụ truyền thống, trong đó có những nghệ sĩ đã từng đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới như NSND Thế Dân, nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Xâm, nghệ sĩ sáo Nguyễn Đức Thao... Ở một góc khác, hai cha con NSND Hoàng Anh Tú cũng không ngại ngần, hiện diện đều đặn hằng tuần trên phố. Nhóm Xẩm Hà Thành cũng háo hức với không gian trình diễn được sắp xếp tại sân tượng đài vua Lê Thái Tổ.
Phố đi bộ Hồ Gươm cũng thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ. Nhạc sĩ Giáng Son đã nhiều lần trò chuyện cùng khán giả tại một điểm diễn của khu phố, ca sĩ Thu Phương cũng bất ngờ trình diễn các tiết mục trong một dự án nhỏ về Hà Nội. Hay những ngày cuối năm 2017, ca sĩ Mỹ Tâm đã thu hút cả vạn khán giả trẻ vào một chương trình biểu diễn... Tất cả đã gắn kết giới trẻ với khu phố.
Ngoài những tồn tại trong tổ chức, phân bổ điểm diễn... đang được TP nghiên cứu và phát triển thì sự xuất hiện ngày càng nhiều các tụ điểm nghệ thuật từ nhạc không lời đến ca hát, từ nhạc truyền thống đến đương đại càng làm cho không gian đi bộ thêm phong phú.
Bữa tiệc văn hóa bốn phương
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ngày càng nhiều các sự kiện văn hóa đáng chú ý được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng chọn phố đi bộ Hồ Gươm để giới thiệu đặc trưng văn hóa địa phương. Tết Trung thu vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang mang một phần lễ hội xuống “chiêu đãi” người dân và du khách. Đoàn diễu hành Đèn Trung thu Tuyên Quang trên phố đi bộ Hồ Gươm giới thiệu 2 mô hình đèn khổng lồ gồm: “Gia đình nhà gà cùng nhau đi trảy hội” và “Rồng vàng đất Việt”. Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng tranh thủ quảng bá nét đặc sắc của địa phương khi tái hiện nghi lễ đám cưới người Dao đỏ xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cùng nhiều tỉnh, thành khác cũng tranh thủ giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa và đặc sản địa phương tại khu phố đi bộ này.
Không gian phố đi bộ Hồ Gươm càng thêm tưng bừng khi diễn ra Carnival châu Âu hay mãn nhãn cùng các nghệ sĩ múa đến từ Thụy Sĩ. Đặc biệt, dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới đến từ nước Anh mang tên London Symphony Orchestra cũng đã trình diễn những tuyệt tác âm nhạc giao hưởng tại phố đi bộ Hồ Gươm. Để rồi hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert trở thành 1 trong 10 sự kiện văn hóa dấu ấn của Hà Nội năm 2017.
Các hoạt động văn hóa trên phố đi bộ Hồ Gươm ngày càng có chất lượng, ý nghĩa và mở rộng quy mô tầm quốc tế. Kết hợp đan xen với các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại của đất nước đã cho thấy nơi đây không đơn thuần là phố đi bộ nữa mà đã mang dáng dấp của một không gian văn hóa theo đúng tên gọi đầy đủ là Không gian văn hóa đi bộ Hồ Gươm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần