Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lấy tài nguyên làm trọng tâm phát triển du lịch

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm” là chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên diễn ra cuối tuần qua, tại TP Huế.

Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung vốn được xem là nơi hội tụ đa dạng các loại tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra rằng, tài nguyên du lịch khu vực này nhìn chung vẫn như “viên ngọc thô” chưa được mài dũa, hoặc chưa tìm được người thợ gọt dũa xứng đáng. Thủ tướng đặt ra 5 vấn đề, đó là phải làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, có ấn tượng tốt đẹp và quay trở lại sớm nhất có thể.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Trong “cuộc gặp bàn tròn” với các chuyên gia và DN, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại vấn đề phải lấy cụm ngành du lịch làm trọng tâm, phát triển cụm ngành du lịch đồng bộ, chứ không lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Vì dẫu tài nguyên có vô tận như thế nào nếu không biết khai thác thì sẽ bị cạn kiệt, suy thoái. Trong khi, ý tưởng sáng tạo là vô tận, có ý tưởng sáng tạo, đổi mới sáng tạo thì mới phát triển du lịch. Nhiều tài nguyên có thể khiến chúng ta tập trung vào khai thác mà thiếu chú trọng đầu tư yếu tố khác, đó là những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị tài nguyên.
Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Phát triển Vùng Duyên hải Miền Trung cho rằng, để du lịch phát triển đột phá cần từ bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”, mở ra tư duy liên kết du lịch “Biển, Hải đảo – Rừng, núi”. Đó là, nối Duyên hải với Tây Nguyên theo từng cụm phát triển du lịch – Cụm Duyên Hải phía Bắc – Tây Nguyên, lấy Đà Nẵng làm trụ và Cụm Duyên hải phía Nam – Tây Nguyên, lấy Nha Trang làm trụ. Tập trung phát triển “cánh gà” du lịch phía Bắc đèo Hải Vân, tạo chuỗi du lịch Lăng Cô, Chân Mây (đô thị biển hiện đại) – Huế (Cố đô) – Bạch Mã (Núi) – Quảng Trị (Lịch sử - Văn hóa) – Quảng Bình (Kỳ quan thiên nhiên), phối hợp với “cánh gà” phía Nam Hải Vân với chuỗi du lịch Đà Nẵng – Hội An – Bà Nà – Mỹ Sơn, tạo thành Vùng Du lịch đẳng cấp cao của thế giới.
Đồng thời, ưu tiên khai thác tài nguyên du lịch văn hóa – tâm linh chứ không đơn thuần nhấn mạnh khía cạnh di sản lịch sử - chiến tranh (chuyển hướng và chuyển trọng tâm). Từ cách tiếp cận đó, sẽ nâng tầm được hàng loạt di sản hiện có như: Thành cổ Quảng trị, các Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Thánh địa La Vang, Nhà thờ Đồng Hới, Làng Sen quê Bác... Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để định hình chân dung phát triển hiện đại, đặc sắc và đẳng cấp của mỗi tỉnh.
Tương tự, tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch là giải pháp căn cơ để các vùng du lịch trọng điểm khác như Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Trung du – Miền núi phía Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển ngành kinh tế xanh bền vững.
Bên cạnh đó, để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạng tầng du lịch, các điểm đến, tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…