Không nên chờ đợi vaccine dịch vụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, trong năm nay, chắc chắn vẫn diễn ra tình trạng “cháy” vaccine dịch vụ.

 Hiện, Bộ Y tế đang yêu cầu các công ty báo cáo về số lượng vaccine dịch vụ có thể có trong năm 2015 và kế hoạch 2016, từ đó có hướng chỉ đạo công tác tiêm dịch vụ.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo sở Y tế các tỉnh, TP phải căn cứ vào số lượng vaccine nhập vào để cung cấp cho một số điểm tiêm nhất định, rút gọn điểm tiêm dịch vụ chứ không thể cung cấp tràn lan cho tất cả các điểm tiêm. Vì nếu cung cấp tràn lan cho nhiều điểm sẽ rất nguy hiểm, trẻ tiêm được mũi 1 nhưng mũi 2, 3 lại không có, trẻ lại đợi tiêm dẫn đến tình cảnh như thời gian qua, chưa kịp tiêm thì đã mắc bệnh” - ông Phu nói và cho biết thêm, tình hình cung ứng vaccine sẽ rất khó khăn, do nhà sản xuất không cung ứng đủ. Cụ thể, nhiều vaccine dịch vụ như “6 trong 1”, “5 trong 1”, thủy đậu, vaccine phòng dại... sẽ khan hiếm. Riêng vaccine “6 trong 1”, theo báo cáo bước đầu, trong năm nay chỉ có khoảng 30.000 liều. Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các điểm tiêm chủng hướng dẫn cho người dân đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), không chờ đợi vaccine dịch vụ. Các loại vaccine trong chương trình TCMR luôn đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế Thế giới. “Người dân không nên hoang mang hay bức xúc, càng không nên chờ đợi vaccine dịch vụ khiến con em mình mắc bệnh” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để phòng bệnh cho trẻ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách để trẻ không bị ốm. Đặc biệt, thực hiện tiêm chủng đầy đủ theo lịch TCMR. Đối với trẻ hoãn tiêm, cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể. Theo ông Phu, qua một số vụ dịch sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm thời gian qua cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh. Đặc biệt thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2 - 4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9 - 12 tháng tuổi (trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi – rubella dịch vụ nhưng lại không được tiêm vaccine sởi đơn khi 9 tháng tuổi theo chương trình TCMR).

Việc tiêm vaccine phòng bệnh thuộc chương trình TCMR không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vaccine sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.