"Không nên có mục phân loại đảng viên trung bình"

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đánh giá đảng viên chỉ nên ghi 2 loại: Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ; Bỏ ghi đảng viên hoàn thành nhiệm vụ: Trung bình, bởi không có tiêu chí xác định phân loại...

Đó là ý kiến các đại biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện giám sát và nhận xét đối với đảng viên nơi cư trú…
Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Ngày 21/9, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện hướng dẫn (tạm thời) số 31/HD-MTTQ-BTT của Ban Thường trực UB MTTQ TP Hà Nội về “Giám sát và nhận xét đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, DN và đơn vị sự nghiệp ở nơi cư trú” do MTTQ TP tổ chức, phần lớn các đại biểu đều nhận định, đây là chủ trương đúng và rất cần thiết, nêu cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể Nhân dân trong việc thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định 218 của Bộ chính trị, nhằm giám sát đảng viên (sinh hoạt 2 chiều)… Qua đó, giúp cấp ủy cơ sở phát huy dân chủ trong việc đánh giá, phân loại đảng viên, góp phần nâng cao vai trò, vị trí MTTQ, tăng cường mối quan hệ phối hợp của cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác với cấp ủy cơ sở nơi cư trú trong việc quản lý, kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nghĩa vụ công dân…, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay; khắc phục biểu hiện xa dân của một số đảng viên…

Bên cạnh mặt được, việc triển khai Hướng dẫn 31 nảy sinh những bất cập như: Nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố, khu đô thị mới, có tới 500 đảng viên sinh hoạt 2 chiều, nên việc quản lý đảng viên không xuể. Có nơi cán bộ mặt trận không biết hết đảng viên nơi cư trú; thời gian gặp gỡ, tiếp xúc các đảng viên nơi cư trú hạn chế, việc tổ chức lấy ý kiến của từng đảng viên còn gặp khó khăn, thiếu kinh phí bố trí in mẫu biểu, hội họp… Ngoài ra, có nơi còn xem nhẹ thực hiện việc này.
Bí thư Chi bộ Đỗ Hữu Hùng (thị trấn Đông Anh) cho biết, hiện có tổ chức cơ sở đảng gửi công văn từ chối thực hiện Hướng dẫn 31 và cho rằng, không cần thiết. Ngoài ra, có đảng viên chuyển đến nơi khác ở, nhưng vẫn xin nhận xét, vì “chưa chuyển hộ khẩu”; ngược lại có trường hợp không giới thiệu về sinh hoạt đảng nơi cư trú, cuối năm vẫn xin nhận xét… Đồng tình ý kiến trên, Phó ban Tổ chức Quận ủy Ba Đình Hồ Ngọc Điệp đề nghị, cần có sự thống nhất chỉ đạo của Thành ủy đối với cấp ủy nơi đảng viên công tác về lấy phiếu nhận xét nhận xét (cuối năm, bổ nhiệm…). Hướng dẫn số 31 đã triển khai 2 năm, nên bỏ chữ “tạm thời”; nội dung nhận xét cần chỉnh sửa những nội dung trùng lắp, nên rút gọn từ 18 tiêu chí, xuống 10 tiêu chí…; Trong đánh giá đảng viên chỉ nên ghi 2 loại: Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bỏ ghi đảng viên hoàn thành nhiệm vụ: Trung bình, bởi không có tiêu chí xác định phân loại.
Để khắc phục tình trạng trên, UB MTTQ TP đề nghị UB T.Ư MTTQ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc giám sát và nhận xét đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp nơi cư trú để thực hiện hiệu quả hai Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị. Ban Thường trực MTTQ TP cần thống nhất với Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy về quy trình, thời gian, tiêu chí và nội dung nhận xét, đánh giá đảng viên. TP cần bố trí kinh phí thực hiện việc giám sát và nhận xét đối với đảng viên sinh hoạt hai chiều. Đối với các ban công tác Mặt trận, mà Trưởng ban không phải là đảng viên, thì cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy chi bộ, sự phối hợp đồng bộ giữa Trưởng ban công tác mặt trận với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.

Các đại biểu cũng kiến nghị, Ban Thường trực MTTQ TP sớm báo cáo Thành ủy và các ngành chức năng liên quan của TP và T.Ư giải quyết những nội dung trên, trong đó, cần sớm điều chỉnh mẫu biểu, lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đảng viên nơi cư trú để thực hiện trong năm 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần