Không nên nóng vội tái đàn lợn

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, giá thịt lợn ở miền Bắc liên tục tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi không nên vội vã tái đàn.

Những ngày qua, giá thịt lợn tại các tỉnh, TP miền Bắc liên tục tăng. Giá bán tại các trang trại dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng 5/2019. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người chăn nuôi. Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long chia sẻ: “Với giá thị trường như hiện nay, người chăn nuôi lợn đã bắt đầu có lãi”.
Chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức.
Tuy nhiên, việc giá thịt lợn tăng cũng phản ánh thực trạng do ảnh hưởng của bệnh dịch, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn dẫn đến nguy cơ giảm nguồn cung thịt cho thị trường. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến ngày 30/7, cả nước tiêu hủy hơn 4 triệu con lợn, với trọng lượng 219.678 tấn. Trong đó, trên địa bàn TP Hà Nội, số lợn buộc phải tiêu hủy là 496.553 con (chiếm 26,5 % tổng đàn), với trọng lượng 34.151 tấn.
Nhận thấy giá thịt lợn tăng, nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn, khôi phục sản xuất, song Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo cần tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống bệnh dịch mà chưa nên tái đàn vào lúc này.
Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để kiểm soát tình hình chăn nuôi, trong tháng 6/2019, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn trong thời gian diễn ra bệnh DTLCP. Theo đó, trước khi tái đàn, người chăn nuôi phải báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương và phải được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm.
Hiện, Bộ NN&PTNT đã có bộ quy chuẩn hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học. Bộ cũng đã giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đẩy mạnh việc phổ biến quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tới các địa phương, từng hộ chăn nuôi. Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo, khi đảm bảo công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn sẽ được phép tái đàn.
Tuy nhiên, quá trình tái đàn, người chăn nuôi cần đảm bảo cơ sở chăn nuôi áp dụng theo quy trình an toàn sinh học. Đặc biệt, không chủ quan, nóng vội mà nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn. Bởi, mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành và có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. 

"Đối với tín dụng, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi lợn tại các vùng dịch. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị các ngân hàng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay nhằm đảm bảo cho người chăn nuôi tại các vùng hết dịch đủ vốn để khôi phục trở lại." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần