Không nhầm lẫn “Hội Thánh Đức Chúa Trời” với tôn giáo

Hồng Thái - Trần Thụ - Nguyễn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, hiện tượng một số người mang danh “Hội Thánh Đức Chúa Trời” đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Hà Nội để truyền bá những tư tưởng đi ngược với đạo lý truyền thống của người Việt. Nhiều người bị dụ dỗ, lôi kéo có hành động như bỏ tục thờ tổ tiên, bỏ công việc, bán nhà… để tham gia tổ chức này.

 Nhóm sinh viên Đại học Thành Đô trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị
Trái với thuần phong mỹ tục
Tôn giáo là một bộ phận đời sống tinh thần của xã hội, đã và đang có quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh những tôn giáo truyền thống cũng có những tôn giáo ngoại lai. Trong xu thế đó, không loại trừ những hiện tượng na ná tôn giáo du nhập vào Việt Nam khiến nhiều người lầm tưởng là tôn giáo. Không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia, truyền bá những tư tưởng có biểu hiện phản văn hóa, mang lại hậu quả xấu cho xã hội.

Vừa qua, tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện những người tự xưng từ “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, dùng các tài liệu không nguồn gốc để truyền đạo, lôi kéo người dân và có biểu hiện trục lợi. Hoạt động này khiến một số gia đình ly tán, nhiều sinh viên bỏ học để tham gia. Một số người còn bỏ bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Theo phản ánh, những người tham gia tổ chức này phải nộp 10% thu nhập. Cơ quan công an còn xác định, một số đối tượng truyền đạo từng có tiền án, nghiện ma túy và cảnh báo để người dân cảnh giác. Nhìn vào các hoạt động có biểu hiện tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục, lệch chuẩn đạo đức xã hội liên quan đến tổ chức này, nhiều người băn khoăn, phải chăng đây là một thực thể na ná tôn giáo?

Mới đây, ngày 21/4, Công an huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) phát hiện Nguyễn Hoàng Trung (SN 1992, trú tại huyện Tiên Lãng) đang thuyết giảng giáo lý của “Hội Thánh Đức Chúa Trời” cho khoảng 10 người tại địa bàn xã Kiên Giang. Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ nhiều loại ấn phẩm phục vụ cho việc truyền đạo, số tiền nộp cho “Trưởng nhóm”.
Đặc biệt, trong số các tang vật thu giữ có trên 20 lọ nhựa nhỏ màu trắng được cho là “nước thánh” để các tín đồ uống. Tháng 3/2018, một “chân rết” truyền đạo trái phép khác cũng bị Công an huyện Thuỷ Nguyên phát hiện.

Trước đó, đêm 19/4, lực lượng chức năng huyện Hoài Đức đột xuất kiểm tra nhà liền kề 5/5 Khu đô thị Lideco (thị trấn Trạm Trôi) do đối tượng Lê Nga Hoàng (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) thuê, phát hiện một nhóm khoảng 20 người đang có hành vi tụ tập truyền bá trái phép đạo “Hội Thánh Đức Chúa Trời”.

Cũng tại huyện Hoài Đức, nhóm sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Thành Đô cho biết, thời gian qua, một nữ sinh cùng phòng với các sinh viên này tham gia trong tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời”. Ban đêm, nữ sinh này dùng khăn trùm lên đầu ngồi thiền và kiêng ăn đồ cúng... Sau sự việc xảy ra tại Khu đô thị Lideco, nhiều cơ quan truyền thông đã lên tiếng hoạt động của nhóm tôn giáo trái phép này, UBND huyện Hoài Đức và các ngành chức năng cũng tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, cơ quan đóng trên địa bàn, vì vậy các sinh viên đã hiểu rõ bản chất của nhóm người này, và từ bỏ ý định tham gia.
 Nhà riêng số 5, liền kề 5, khu đô thị Lideco nơi nhóm của Lê Nga Hoàng tụ tập truyền đạo trái phép nay đã đóng cửa
Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật

Theo ghi nhận của cơ quan công an, nhóm "Hội Thánh Đức Chúa Trời" đã xuất hiện ở các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang… Cơ quan công an xác định, những đối tượng này phần lớn đều là lao động tự do, không nghề nghiệp ổn định, nghiện hút. Tài liệu các đối tượng tuyên truyền truyền không có nguồn gốc. Các bài giảng chỉ là sự rao giảng sáo rỗng, chiếm lòng tin của người nghe bằng cách gắn với sự thật hiển nhiên của thế giới như thiên tai, dịch bệnh... để người cả tin sẽ lo lắng, cảm thấy bế tắc.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Ngọc Vịnh – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoài Đức cho biết, “Hội Thánh Đức Chúa Trời” đã manh nha hoạt động trên tại căn nhà 6 tầng (Khu Công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung) từ cuối năm 2016 do đối tượng Nguyễn Đình Tám cầm đầu. Do nắm bắt được tình hình nên UBND huyện Hoài Đức đã giao lực lượng chức năng đấu tranh không để nhóm này sinh hoạt và truyền đạo trái phép trên địa bàn.
Trước sự kiên quyết các lực lượng chức năng, nhóm của Tám đã phải chuyển toàn bộ tài sản, trang thiết bị đi nơi khác. Mới đây, sau khi phát hiện một nhóm khoảng 20 người có hành vi tụ tập truyền bá trái phép đạo “Hội Thánh Đức Chúa Trời” tại Khu đô thị Lideco, lực lượng chức năng của huyện đã cương quyết xoá bỏ hoạt động trái phép này.

Xung quanh sự việc này, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên "Hội Thánh Đức Chúa Trời" và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật. Sau khi báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các tỉnh, TP liên quan nắm lại tình hình, tăng cường công tác tuyên truyền trong quần chúng Nhân dân, đấu tranh và xử lý đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, tạo điều kiện để người dân tự do bày tỏ đức tin, không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý để những thứ na ná tôn giáo có cơ hội phát triển, ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư. Dư luận mong muốn, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hoạt động phi tôn giáo theo pháp luật, ngăn chặn kịp thời việc dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin vào những hoạt động biến tướng, trục lợi của một số cá nhân, tổ chức.
 Hoạt động trái phép của "Hội Thánh Đức Chúa Trời" tại nhiều địa phương

Nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Đồng thời, kêu gọi Nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc...
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng
Sẽ có những quy phạm pháp luật khác điều chỉnh
Trong thực tế, ranh giới của tín ngưỡng với mê tín dị đoan rất khó xác định. Nếu “Hội Thánh Đức Chúa Trời” mang lại hậu quả xấu cho xã hội, như việc có những người mê tín đến mức bỏ tục thờ tổ tiên, bỏ công việc, thậm chí về bán nhà bán cửa để cùng sống với Hội một thời gian, không chăm sóc cuộc sống riêng, sẽ có những quy phạm pháp luật khác điều chỉnh. Trong phạm vi chức năng, Bộ VHTT&DL sẽ có biện pháp góp phần vào việc giải quyết hiện tượng như các báo nêu trên.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL)

Thờ cúng tổ tiên là nhớ về nguồn cội

Truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ nhiều đời nay. Truyền thống đó đã được UNESCO công nhận trong hồ sơ di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Người nông dân ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIV, sống trong cuộc sống phong kiến đô hộ, bị đuổi ra ngoài, không tấc đất cắm dùi làm ăn, nghèo đói; nhưng đến ngày giỗ bố vẫn tìm cái bát mẻ múc nước, lên chùa xin hương cháy dở thờ cúng người sinh thành ra mình. Thờ cúng tổ tiên là nhớ về nguồn cội, nếu bây giờ ai chối bỏ tín ngưỡng thờ cúng đó sẽ không còn là người Việt Nam.

GS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

Tăng cường phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên

Liên quan đến hoạt động của “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) - Bộ Công an để nắm bắt, quản lý vụ việc. Đồng thời, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin liên quan để có biện pháp chỉ đạo, xử lý.

Một trong những biện pháp để ngăn ngừa sinh viên bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm an toàn, đạo đức xã hội là tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên; phổ biến giáo dục pháp luật để các sinh viên tự biết và đề kháng. Về phía các trường cũng phải tăng cường công tác quản lý sinh viên thông qua các khoa, câu lạc bộ, lớp học.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần