Không phát triển công nghiệp hỗ trợ khó thành nước công nghiệp năm 2020

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam.

 Quang cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, CNHT của nước ta vẫn nhỏ. Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế.
Cả nước hiện có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 4,5% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động trực tiếp.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn.
Đến nay cũng chỉ có một số doanh nghiệp lớn bước đầu đã có sự hỗ trợ, hướng dẫn để các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, trong đó có Samsung, Trường Hải. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. “Trong lúc chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới. Các doanh nghiệp CNHT Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để có thể mở rộng phát triển”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần coi CNHT là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước”.
Báo cáo của Bộ Công thương, ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm nhưng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm này trong doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40-45%; Đối với ngành dệt may mới đạt khoảng 40-45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ngành dệt may đạt sản lượng khoảng 2,3 tỷ m2/năm nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước. Riêng trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD vải phục vụ cho ngành may mặc. Nhập khẩu siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn. Năm 2016, Việt Nam nhập linh kiện, phụ tùng là gần 45 tỷ USD, tăng 14% so với 2015. Nếu tính cả các ngành CNHT cho dệt may, da giày, kim ngạch nhập khẩu CNHT Việt Nam 2016 lên đến hơn 63 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là lý do khiến mặc dù năm ngoái, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp gần 15% GDP, thấp hơn mức bình quân 20% của ASEAN, 26% của Thái Lan, 28% của Hàn Quốc, 22% của Campuchia hay 36% của Trung Quốc.
Theo các diễn giả, ngành CNHT của Việt Nam kém phát triển sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam. Các chính sách phát triển CNHT tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành. Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất CNHT, phát triển nguồn nhân lực.