Không rõ thông tin được tiếp cận, luật vô giá trị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/1, UBTV Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật tiếp cận thông tin. Trong đó, vấn đề thông tin nào được cung cấp vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Dự luật nên theo quan điểm mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Theo đó, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Có như vậy mới thực sự bảo đảm và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nếu quy định chỉ cơ quan tạo ra thông tin mới có trách nhiệm cung cấp thì sẽ hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà, tốn kém cho công dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 của UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 của UBTVQH.
Nhấn mạnh điểm quan trọng nhất của Dự luật là phải rõ thông tin thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Nếu Dự Luật không giải quyết được vấn đề này thì không có giá trị. “Thông tin nào được tự do tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế đã có trong Pháp lệnh nên đưa vào có gì khó đâu, sao các đồng chí cứ khó khăn thế. Luật như thế là luật không minh bạch. Từ giờ đến tháng 3 phải bổ sung, nếu làm không kịp thì chưa trình thông qua tại Kỳ họp 11” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Giải trình lại những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Thông tin nào cần công khai cho người dân sẽ cố gắng rà soát lại để cụ thể. Tất cả các nước khi nói tài liệu mật đều có giải mật, Luật này cũng nói tất cả tài liệu đã được giải mật thì công dân được quyền cung cấp. Còn giải mật như thế nào thì liên quan đến Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Còn thông tin bí mật nhà nước cũng có quyền tiếp cận nhưng ở phạm vi hẹp hơn, không phải công dân nào cũng có thể tiếp cận.

Không đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Nếu nói thế thì cái gì người ta không muốn cung cấp họ đóng dấu mật là xong vì anh cho người ta cái quyền đóng dấu mật. Luật này phải nói rõ những thông tin nào không được đóng dấu mật”.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). UBTV Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, ngày bầu cử được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (ngày bầu cử đã được thông qua là Chủ nhật, ngày 22/5/2016.