Không sử dụng kết quả các cuộc thi phụ để tuyển sinh đầu cấp: Một cách loại bỏ tiêu cực

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm học 2018 - 2019, kết quả các cuộc thi do Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá học sinh (HS) sẽ không được sử dụng để xét tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp.

Quy định này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía phụ huynh, giáo viên (GV).

Hợp tình, hợp lý

Trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ tinh giảm các cuộc thi, không sử dụng kết quả các cuộc thi để tuyển thẳng vào các lớp đầu cấp, nhất là lớp 6, chị Nguyễn Hà Thư, có con học trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) thành thật cho biết, năm nay, con chị vào lớp 6 - năm cuối để kết quả của các cuộc thi này được sử dụng, song chị vẫn rất mừng. Là bởi cả cha mẹ lẫn HS sẽ đỡ vất vả lo các giải phụ bên cạnh các môn học chính khóa. Bản thân việc xét tuyển vào các lớp đầu cấp cũng công bằng hơn. “Dù con tôi năm nay cũng trong diện xét tuyển vào lớp 6, cháu thừa các tiêu chí để xét tuyển vào một số trường nằm trong top cao của TP, nhưng tôi ủng hộ quy định này, vì nó mang lại sự công bằng trong giáo dục” – chị Thư chia sẻ.

Giờ học Văn của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy.  Ảnh:  Công Hùng

Đồng tình việc bỏ các cuộc thi để xét tuyển vào các lớp đầu cấp, một GV dạy cấp THCS ở quận Hoàn Kiếm cho biết, với việc lấy tiêu chí phụ làm tiêu chí chính để xét tuyển vào một số trường THCS có tiếng, sau 2 năm thực hiện, các kỳ thi “ăn theo” mọc lên như nấm. Trào lưu “chạy” tiêu chí phụ đã xuất hiện, điều này không những làm nảy sinh tiêu cực, mất công bằng trong xét tuyển, mà còn gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực sau này. “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc giảm tải các cuộc thi, có như vậy, GV chúng tôi mới có thêm nhiều thời gian tập trung cho bài giảng, nâng chất lượng dạy - học, không còn phải lo và áp lực không đáng có về cuộc thi này, thi kia nữa” - GV này vui vẻ nói.

Được biết, hiện nay, riêng môn Toán, HS có khoảng 70 cuộc thi ở các cấp học để tham gia, có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất do Bộ GD&ĐT quản lý, nhóm thứ hai là “xã hội hóa”. Đó còn chưa kể các cuộc thi văn hóa, thể dục thể thao khác. Còn theo Sở GD&ĐT Hà Nội, có khoảng 20 cuộc thi được Sở chấp nhận, trong đó có các cuộc thi cấp sở và cuộc thi cấp bộ, quốc gia tổ chức.

Trút được áp lực vô hình

Văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các sở GD&ĐT về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho GV và HS phổ thông đã yêu cầu các sở chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của GV, HS. Có cảm giác như những người đứng trên bục giảng trút được một gánh nặng từ những áp lực vô hình của cuộc thi ngoài chương trình học.

Không giấu sự phấn khởi, Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội bày tỏ sự nhất trí với quyết định của Bộ GD&ĐT. Bởi thứ nhất, việc bỏ các cuộc thi này sẽ giảm thiểu tối đa áp lực cho GV, HS, vì có những cuộc thi nghe tên rất kêu nhưng chỉ mang tính chất kinh doanh. Thậm chí có những cuộc thi không có sự kiểm soát của ngành giáo dục, giải chỉ do một ngành không phải ngành giáo dục ký. Nhiều phụ huynh không hiểu mang tất giấy khen, giải thưởng ABC... về trường yêu cầu ghi vào học bạ nhằm thêm cơ hội cho con xét tuyển vào lớp 6. Điều này rất áp lực cho nhà trường. Thứ hai, phụ huynh muốn cho con vào trường top cao, ngoài việc tạo áp lực cho con phải học các môn phụ, phải thi thố các giải…, thậm chí tìm cách mua giải. Nên loại bỏ các giải trong xét tuyển sẽ hạn chế nhiều những tiêu cực như vậy. Nhìn xa hơn, vị Hiệu trưởng này còn nhận định, về lâu dài, điều đó sẽ ảnh hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, vì các trường THCS chất lượng cao là nguồn tuyển cho các trường THPT chuyên, do vậy, rất cần có sự công bằng. Để không thiệt thòi cho những HS có năng lực, giỏi thực sự, cần thiết cho các trường chuyên, trường top cao, trường chất lượng cao được thi tuyển. Có thể thi Toán, Văn và thêm trắc nghiệm kỹ năng mềm. Đây cũng là nhận định của khá nhiều lãnh đạo trường THCS. Thực tế như ở trường THCS chất lượng cao Cầu Giấy, từ khi bỏ thi vào lớp 6, chất lượng đầu vào của trường có giảm sút rõ rệt. Cụ thể nhất là tỷ lệ HS giỏi thấp, năng lực của HS không có sự phân hóa rõ nét.

Rất nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, khi đầu vào các trường chất lượng cao quá lớn, không có cách tuyển sinh nào công bằng hơn một kỳ thi đánh giá năng lực thực sự. Bên cạnh đó, thay bằng việc GV, HS bỏ thời gian “gò lưng” ôn luyện, thi thố để giật giải thì dành thời gian cho GV tập trung chuyên môn, tăng cường các hoạt động, trải nghiệm gắn với thực tế cuộc sống.

Trong bối cảnh bỏ chấm điểm ở bậc Tiểu học, học bạ của các em đẹp như nhau, ngành giáo dục lại cấm thi tuyển thì việc đạt giải ở một kỳ thi nào đó chính là tiêu chí quan trọng để nhà trường có thể lựa chọn HS. Tuy nhiên, nếu có những trường hợp “chạy” điểm để có giải trong một kỳ thi HS giỏi nào đó, nhà trường cũng rất khó có thể phát hiện ra. Do đó, việc cho phép các trường THCS được tổ chức thi tuyển để chọn HS phù hợp là giải pháp khách quan và công bằng.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần